A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tấm lòng Việt kiều Morocco hướng về Đại lễ

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng bà con Việt kiều tại Morocco đều cố gắng thu xếp để có thể về Việt Nam tham dự ngày lễ trọng đại của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chun

Trong buổi gặp mặt của nhóm chị em Việt kiều Morocco vừa về thăm quê nhân dịp Thủ đô 1.000 năm tuổi, bà Trần Thị Hồng Mây đã thể hiện ca khúc “Hà Nội và tôi” bằng một giọng nữ trung rất ấm. Cao lớn, sôi nổi, tràn niềm vui sống, người mới gặp không thể đoán được bà đã ngoại 70 tuổi, con đàn cháu đống ở bên kia.

Chỉ có bà Mây là đại biểu dự Đại lễ chính thức, nhưng tất cả các chị em ở Morocco có điều kiện như bà Minh, bà Hiền, vợ chồng bà Nhung… đã rủ nhau nhân dịp trọng đại này cùng về. Thế hệ đầu tiên của các bà, không còn lại mấy người, bởi thế dẫu không họ hàng, dẫu mỗi gia đình cách xa nhau hàng trăm dặm, họ vẫn kết nghĩa chị em như trong một đại gia đình, thế hệ thứ hai, thứ ba giờ đã lên tới hàng trăm người.



 Các Việt kiều Morocco trong buổi gặp mặt tại Hà Nội


Bà Minh (tên thật là Nguyễn Thị Mịch), được coi như bà chị cả, năm nay đã 76 tuổi, hiện sống ở thành phố Kenetra (Morocco). Bà Minh bảo, phải cố gắng dù già cả, yếu mệt cũng phải về, vì đây là thời điểm 1.000 năm có một.

Người chị kết nghĩa thứ hai của bà Mây, bà Nguyễn Thị Hiền cũng ở Kenetra, làm nông nghiệp. Cách đây hai năm, lần đầu tiên bà về thăm Hà Nội, gặp lại gia đình hai người em cũng làm nông nghiệp ở huyện Từ Liêm, Hà Nội sau hơn 30 năm xa cách. Nhưng lần này, mọi sự thay đổi vẫn làm bà ngỡ ngàng, nhất là Từ Liêm quê bà: “Về lần này, thấy các em làm được nhà, tôi phấn khởi lắm. Em tôi là người gặp khó khăn nhiều nhất trong gia đình, giờ thay đổi hoàn toàn, tôi rất mừng cho các em”.

Mấy chục phụ nữ đều là vợ những hàng binh Morocco bỏ quân ngũ theo Việt Minh chống Pháp, cùng công tác lao động tại Nông trường Việt Phi, Ba Vì. Năm 1972, họ được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho gia đình về Morocco định cư. Trước đó, cũng có một số gia đình thế hệ những người sang từ năm 1954, nhưng mỗi người mỗi nơi.

Ngày mới sang, bà Hồng Mây ở tỉnh Meknes là người lặn lội đi tìm liên lạc, chắp nối giữa các chị em. Năm 2005, lần đầu tiên có Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco, những người Việt cũng lần đầu có một địa điểm chung để tụ họp như một gia đình mỗi dịp Tết Nguyên đán hay Quốc khánh.

Bà Nguyễn Thị Nhung, hiện có tiệm ăn ở Thủ đô Rabat cho biết: “Các gia đình người Việt ở cách xa nhau hàng trăm cây số nên khi chưa có Đại Sứ quán, ai cũng buồn, không có điều kiện về thăm quê, cũng như tụ họp. Từ ngày có Đại Sứ quán Việt Nam tại Morocco, cơ quan đã sức giúp đỡ bà con Việt kiều rất nhiều, chúng tôi cũng thường xuyên qua lại nơi đây”.

Bà Hồng Mây kể, mỗi lần, Đại Sứ quán có giấy mời lên dự Quốc khánh hay Lễ,  Tết, mọi người dù phải đi mấy trăm cây số, nhưng đều rất vui. “Khi vừa có Đại Sứ quán, tôi cầm hộ chiếu đến đổi ngay, và khi vừa đổi được hộ chiếu, tôi mua vé máy bay về Hà Nội lần đầu tiên sau hơn 30 năm. Không thể tưởng tượng được lúc đó tôi hạnh phúc thế nào. Hà Nội đổi thay nhiều lắm”, bà Mây chia sẻ.

Cộng đồng người Việt thế hệ đầu tiên ở Morocco rất ít vì tất cả đều đi theo chồng. Bà Mây bảo: “Chị em phụ nữ Việt có hơn 50 người, nhưng đến giờ có nhiều các chị lớn tuổi, và nhiều chị đã mất. Cộng đồng ít, nhưng tấm lòng của chúng tôi lúc nào cũng yêu tha thiết và hướng về quê hương mình”.

Lòng thương nhớ quê nhà của cha mẹ đã truyền lửa cho con cháu. Hầu hết thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở Morocco đều biết tiếng Việt. Nhiều bà đã cho con cháu về Việt Nam và họ đều muốn về thăm Việt Nam nhiều lần nữa.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng như mọi năm trước, lần này về Việt Nam, các bà vẫn cùng đóng góp 1.050 USD tặng Quỹ Trái tim cho em, thể hiện sự sẻ chia với đồng bào quê nhà.

Trong cuốn sổ tay ghi chép nhỏ, bà Mây ghi rất nhiều những bài thơ của mình, và bà đã đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ trong bài thơ mộc mạc viết về ngày Đại lễ “Ai đến Hà Nội đừng quên/ Nghìn năm văn hiến trong tim mọi người”./.

(Theo VOV)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm