A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người Việt kinh doanh ở xứ sở Triệu Voi

Nằm dọc theo đại lộ Lane Xang trên đường đến Patuxay, Talạt Sao là ngôi chợ lớn nhất của thủ đô Vientiane, nước Lào.


 
Một góc chợ Talạt Sao


Đáng chú ý, người Việt buôn bán ở Talạt Sao rất đông với số lượng tiểu thương chiếm trên 85%. Ở đây mọi người sử dụng tiếng Việt mà ai đó đến đây cảm giác như đang đi giữa chợ Đồng Xuân hay chợ Bến Thành. Chính vì vậy, mỗi khi nhắc đến chợ Talạt Sao người ta thường nghĩ ngay đến chợ của người Việt, dù đây là xứ sở Triệu Voi.

Theo tiếng Lào, Talạt có nghĩa là “chợ” còn Sao là “buổi sáng” nên nó cũng được dịch ra tiếng Anh là Morning Market (chợ Sáng). Tên là “buổi sáng” nhưng chợ thường mở cửa đến tận 16 giờ chiều. Ở đây bạn có thể tha hồ ngắm nghía mà không bị ai mời mọc hay lôi kéo. Nhưng bạn nhớ trả giá, vì người bán cũng hay nói thách. Đồng Kíp Lào (1 kíp Lào tương đương 2.000 - 3.000 đồng Việt Nam), đồng bạt Thái hay đô-la Mỹ đều được những người bán vui lòng nhận, ngoại trừ đồng Euro. Dân du lịch khắp nơi trên thế giới có dịp sang du ngoạn xứ sở Triệu Voi đều rất thích thú với Talạt Sao, xem đây là một trong những nơi rất thú vị. 

 



 Bên trong nhà lồng chợ Talạt Sao


Riêng các tiểu thương người Việt tại chợ Sáng chủ yếu có 2 hình thức. Một là từ Việt Nam sang đây làm ăn, khi hết hạn visa sẽ quay về Việt Nam xin cấp lại; số còn lại đa phần là người Lào gốc Việt (riêng tại Vientiane thống kê cho thấy hiện có trên 7000 người). Bà Trần Thị Tuyết, 55 tuổi, một tiểu thương buôn bán mặt hàng trái cây đặc sản, cho biết: “Bố mẹ tôi đều là người Việt, sang Lào từ năm 1954. Dù sống ở đây từ thuở mới lọt lòng nhưng tôi luôn được gia đình truyền thụ, gìn  giữ những nét văn hoá đặc trưng Việt Nam, chẳng hạn như vào các ngày Lễ, Tết Việt Nam, trên bàn thờ luôn có đủ các món ăn dân tộc từ bánh chưng, chả giò, cá kho tộ, dưa món...”.

Phần đông những người Việt kinh doanh ở chợ Sáng đều có cuộc sống tương đối khá giả. Anh Nguyễn Mạnh Trường, sinh năm 1974 ở Vientiane và là thế hệ người Việt thứ 3 tại đây, nhưng nói rất thạo tiếng Việt vì “trong nhà cha mẹ tôi chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, ngoài ra cũng có mời thầy giáo người Việt về dạy chữ cho anh em tôi”. Anh Trường cho biết cửa tiệm chuyên mua bán các mặt hàng đồ gia dụng tính ra đã kinh doanh khoảng trên dưới 20 năm, ngày nào cửa hàng cũng đông khách, bởi nơi đây lâu nay vốn là vị trí đẹp. Một ngày bán được trên dưới 2,5 triệu Kíp. Một tháng tổng cộng 75-80 triệu Kíp”. Riêng bà Manivon Thamavong, còn có tên Việt Nam là Phạm Thị Yến cũng sở hữu một gian hàng văn phòng phẩm ở chợ Sáng, cho biết: “Bố mẹ tôi quê quán Nghệ An. Tôi sinh ra tại Xiêng Khoảng. Đầu năm 1980, cả gia đình chuyển về Viêng Chăn và lập một gian hàng bán văn phòng phẩm tại chợ Sáng. Gia đình chúng tôi dù sinh sống đã nhiều năm ở Lào, song vẫn luôn xác định mình luôn là người Việt, lúc nào cũng phải nhớ và hướng về quê cha đất tổ”.

 

(Theo Đại đoàn kết)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm