A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào dự tuyển viên chức: Sẽ trình Bộ Chính trị quyết định

Ngày 29/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viên chức. Trong đó, nội dung công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đủ điều kiện tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công, thu hút nhiều ý kiến thảo luận nhất.

Về vấn đề này, báo cáo nêu ra 2 quan điểm. Quan điểm thứ nhất tán thành quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển viên chức nhằm thu hút chất xám, sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển đất nước. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể những lĩnh vực, ngành, nghề, vị trí công việc được tuyển dụng, điều kiện tuyển dụng, hợp đồng làm việc, quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp họ được tuyển dụng làm viên chức.
 
Quan điểm thứ 2 lại cho rằng công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có không ít người mang 2 quốc tịch nên có thể phát sinh một số khó khăn, phức tạp trong quá trình quản lý, sử dụng. Mặt khác, hoạt động của viên chức phải gắn với đơn vị sự nghiệp công lập, do vậy không thể có viên chức làm việc thường xuyên tại Việt Nam mà lại định cư ở nước ngoài.



 Những đóng góp của kiều bào luôn được Nhà nước trân trọng và ghi nhận
(Ảnh minh họa: ubvk.hcmcity)

 
Không giống như những phiên họp trước, tại phiên họp lần này, đa số ý kiến đều không tán thành nội dung cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia tuyển viên chức. Theo Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Đặng Vũ Minh, Việt Nam có những quy định riêng về chính sách, pháp luật cũng như lề lối tác phong làm việc mà các nước khác không có. “Chúng ta không thể áp đặt một giáo sư đang làm việc ở nước ngoài khi về Việt Nam phải giảng dạy theo đúng số giờ lên lớp của Bộ GD-ĐT. Cũng rất khó quy định giờ giấc làm việc phải đủ 8 giờ một ngày và 5 ngày mỗi tuần đối với viên chức là người Việt Nam định cư tại nước ngoài. Thêm vào đó, chế độ lương lậu sẽ ra sao khi những đối tượng này khó có thể chấp nhận làm việc dưới 1.000 USD một tháng?”.

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc K’so Phước cho rằng với những đối tượng nhiều quốc tịch thì sẽ có nhiều chuyện phát sinh về quản lý công dân. “Đó là chưa kể tới việc bảo đảm an ninh quốc gia, vấn đề nhân quyền…”, ông Phước lưu ý. Mặt khác, theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, đây là vấn đề mới, nhạy cảm và đề nghị đưa nội dung này vào một văn bản quy định khác, không nên đưa vào dự thảo luật khi trình Quốc hội trong lần này.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, đã có rất nhiều ý kiến gửi về Bộ góp ý cho rằng nên thực hiện chủ trương của Đảng, mở rộng cửa đón kiều bào có tâm huyết về xây dựng đất nước. “Đây cũng là quan điểm của Chính phủ, tuy nhiên đi kèm với đó là phải làm rõ những quy định ràng buộc đối với những đối tượng này khi về Việt Nam làm việc, đảm bảo phù hợp với chính sách pháp luật Việt Nam, không làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia”, ông Tuấn nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định: “Đối với nội dung này, Thường vụ Quốc hội sẽ trình cả 2 phương án lên Quốc hội, đồng thời trình Bộ Chính trị để xin ý kiến”.

 (Theo Đất Việt)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm