A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo Việt Nam- Séc: Cơ hội hợp tác

Ngày 3/10, tại Hội trường Little Hà Nội đã diễn ra Hội thảo bàn tròn với chủ đề "Người Việt Nam tại CH Séc và người Séc tại Việt Nam - Cơ hội hợp tác" do Tổ chức Công dân Info-Dráček và Development World Wide phối hợp với Hội người Việt Nam tại CH Séc tổ chức, dưới sự bảo trợ của ngài Jan Zahradil - Nghị sỹ Quốc hội Liên minh Châu Âu.

Tới dự hội thảo về phía Việt Nam có ông Phạm Quốc Cường, Tham tán - Trưởng ban công tác cộng đồng Đại sứ quán, ông Nguyễn Nam Phương-  Phó Giám đốc Quĩ Bảo vệ Môi trường – Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam, ông Lê Minh Cầu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội người Việt Nam tại CH Séc.

Hội thảo thu hút trên 50 đại biểu, đại diện cho Bộ Nội vụ, Bộ Lao động và các vấn đề Xã hội,  Bộ Môi trường, một số tổ chức phi Chính phủ của CH Séc cùng phóng viên báo và Đài truyền hình Séc.

Tình hình cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc và vấn đề hội nhập

Tại diễn đàn, ngài Jan Zahradil - Nghị sỹ Quốc hội Liên minh Châu Âu đã có bài phát biểu, phân tích và đánh giá về tình hình cộng đồng người Việt Nam- một trong những cộng đồng đông đảo hiện đang sinh sống tại CH Séc. Ông đã nêu những mặt thuận lợi và khó khăn của cộng đồng người Việt  trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, đặc biệt là về vấn đề hội nhập với nước sở tại hiện nay, đồng thời đưa ra các giải pháp đề nghị các cơ quan chức năng của CH Séc hỗ trợ cho vấn đề hội nhập của cộng đồng người Việt tại đây.
 

Ngài Jan Zahradil – Nghị sỹ Quốc hội Liên minh Châu Âu (người ngồi giữa)
chủ trì hội thảo


Trong bài phát biểu của mình, ông Lê Minh Cầu – Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại CH Séc đã nêu một số kiến nghị để các cơ quan chức năng của CH Séc quan tâm hơn nữa đến các chính sách hội nhập đối với người nước ngoài hiện đang làm ăn, sinh sống tại CH Séc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam. Ông nhận xét kiều bào ta nhìn chung cần cù, chịu khó, tôn trọng luật pháp của nước sở tại, tuy nhiên cũng còn một số tồn tại cần giải quyết. Nhưng các phương tiện thông tin và truyền thông của Séc không nên vì thế mà luôn có những bài viết mang tính chất không có thiện chí với cả một cộng đồng người Việt vốn đã sống nhiều năm tại đây. 

Đại diện Cục Chính sách Di dân- Bộ Nội vụ CH Séc-bà Helena Dluhošová  mang tới Hội thảo bài phát biểu nêu rõ chính sách của Bộ Nội vụ CH Séc đối với cộng đồng người nước ngoài tại CH Séc và vấn đề hội nhập.

Bà Zdenka Dubova, đại diện tổ chức công dân Info-Dráček phát biểu nêu rõ mục đích hoạt động của tổ chức là giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc trong quá trình hội nhập. Muốn làm tốt việc này, trước hết tổ chức phải nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chính phủ của Séc, đặc biệt là nguồn kinh phí cho dự án phát triển thông tin truyền thông trong cộng đồng, cũng như việc xuất bản tạp chí giới thiệu về Việt Nam bằng tiếng Séc và các trung tâm tư vấn giúp đỡ cộng đồng người Việt hiện đang làm ăn, sinh sống tại CH Séc…

Thay mặt Đại sứ quán, ông Phạm Quốc Cường, Tham tán – Trưởng ban công tác cộng đồng đã bày tỏ cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Séc trong những năm qua và hiện nay đã tạo điều kiện giúp đỡ rất nhiều cho các công dân Việt Nam học tập, lao động và làm ăn, sinh sống tại CH Séc. Ông cũng mong rằng trên cơ sở mối quan hệ truyền thống sẵn có giữa hai dân tộc Việt - Séc, cùng với các chính sách hội nhập của Chính phủ Séc, trong một thời gian không xa, cộng đồng người Việt Nam sẽ được chính phủ Séc công nhận là dân tộc thiểu số, con em cộng đồng người Việt sẽ có cơ hội được tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan nhà nước của CH Séc…

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã phát biểu về những vấn đề nổi cộm cần được quan tâm trong hội nhập của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc, trong đó có vấn đề thông tin truyền thông của Séc đưa tin một chiều về tình hình cộng đồng người Việt tại đây.

Cảm ơn và ghi nhận các ý kiến của các đại biểu trong hội thảo, ngài Nghị sỹ Quốc hội Liên minh Châu Âu Jan Zahradil hứa sẽ chuyển tải các ý kiến đã nêu tới các cơ quan có thẩm quyền của CH Séc.

Khả năng hợp tác giữa hai bên

Nội dung của phần Hội thảo về khả năng hợp tác giữa Việt Nam -Séc do Bộ Môi trường CH Séc, tổ chức Development World Wide, tổ chức công dân Info- Dráček phối hợp với Quĩ Bảo vệ Môi trường - Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam chủ trì.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo

Bày tỏ niềm vui mừng được tham dự Hội thảo đúng vào dịp tại Việt Nam đang diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bà Rut Bizková, Thứ trưởng Bộ Môi trường CH Séc thông báo từ năm 2007, Bộ Môi trường CH Séc và Bộ Tài nguyên-Môi trường của Việt Nam đã ký bản thỏa thuận hợp tác. Mấy năm gần đây hai bên đã trao đổi các đoàn công tác bàn về việc thực hiện các dự án bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Trong đó có các dự án: Xử lý chất thải rắn, nước thải, nước sinh hoạt và dioxin; phía Séc cũng giới thiệu với các đối tác phía Việt Nam một số dự án đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức kinh phí phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Bà cũng cho biết trong thời gian qua, Bộ Môi trường của CH Séc phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường của Việt Nam đã thực hiện rất hiệu quả một số dự án tại Việt Nam thông qua Đại sứ quán CH Séc tại Hà Nội. Bà cũng nhắc lại một số kỷ niệm đáng ghi nhớ khi còn là sinh viên tại trường Đại học hóa, bà đã có điều kiện được học và làm các thí nghiệm với sinh viên Việt Nam theo học tại đây. Bà Thứ trưởng hy vọng cùng với mối quan hệ sẵn có và sự phát triển ở Việt Nam hiện nay, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ông Daniel Svoboda, Chủ tịch tổ chức DWW- Civic Association for Development Coperation đã có bài phát biểu giới thiệu về tổ chức này đã tham gia cải tạo một số dự án tại Việt Nam như: Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp, Trường dạy nghề đóng giày da Hải Phòng, Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Huế, xử lý khí thải tại các lò sản xuất gốm Bát Tràng, xử lý nước thải làng nghề tái chế giấy Phong Khê - Bắc Ninh… Ông cũng giới thiệu về dự án “Giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam tại tỉnh Thái Bình”. Theo thống kê tại địa bàn tỉnh Thái Bình có khoảng 17.000 người bị nhiễm chất độc da cam (dioxin). Trên cơ sở hợp tác với VAVA – Hội nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam Việt Nam, tổ chức này sẽ tham gia hỗ trợ trung tâm chỉnh hình cho nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam tại Thái Bình, dự kiến với mức kinh phí ban đầu cho sửa chữa tòa nhà khoảng 630.000 CZK (Cu-ron Séc), trang thiết bị y tế và chỉnh hình và máy móc  500.000 CZK và khoảng 1.200.000 CZK/năm chi phí cho cán bộ, nhân viên và duy trì vận hành  trung tâm.

Nhân dịp này ông Daniel Svoboda cũng kêu gọi Quĩ Bảo vệ Môi trường, các tổ chức của Séc, Hội người Việt Nam tại CH Séc, cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam tại CH Séc ủng hộ về tài chính cho dự án đã nêu. Số tài khoản ủng hộ cho dự án : 235581188/0300 CZK và 19811595/0300 USD. Tài khoản này đã được đăng ký tại tòa Thị chính Praha.

Thay mặt đoàn công tác của Quĩ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, ông Nguyễn Nam Phương đã cảm ơn sự hợp tác và giúp đỡ của Bộ Môi trường CH Séc trong thời gian qua đã giành cho Việt Nam nhiều khoản viện trợ để thực hiện các dự án trong lĩnh vực xử lý môi trường tại nhiều địa phương của Việt Nam.

Hội thảo bàn tròn đã khép lại trong không khí cởi mở, hợp tác và hữu nghị trên cơ sở hai bên hiểu biết lẫn nhau.

     Trần Việt Hùng -Nguyễn Phương Như (Từ CH Séc) 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm