A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp Việt Nam tại tám tỉnh Bắc Lào

Ngày 26/9, tại tỉnh U-đôm-xay, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luông-pha-bang chủ trì Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp Việt Nam tại 8 tỉnh Bắc Lào.

Tham dự Hội nghị có ông Tạ Minh Châu - Đại sứ Việt Nam tại Lào, ông Khămla Linhnạsỏn- Bí thư, tỉnh trưởng tỉnh U-đôm-xay cùng hơn 200 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư và làm ăn tại đây.

Hiện nay, trên địa bàn 8 tỉnh Bắc Lào có 104 dự án của các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ của Việt Nam với tổng số vốn khoảng 67.364.000 USD đang đầu tư trên nhiều lĩnh vực nông lâm nghiệp, năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến gỗ, xây dựng, du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng… Trong đó đáng chú ý là tỉnh Hủa-phăn có 55 dự án tập trung vào lĩnh vực xây dựng và nông, lâm nghiệp; Xiêng-khoảng 13 dự án về chế biến gỗ; Luông-pha-bang 11 dự án du lịch, khách sạn, nhà hàng.


 
Các đại biểu doanh nghiệp tham dự Hội nghị


Cùng với doanh nghiệp từ Việt Nam sang, doanh nghiệp kiều bào phát triển ngày một lớn mạnh, làm ăn hiệu quả, có uy tín tại Lào. Bên cạnh việc đầu tư về nước, nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng được cơ sở sản xuất, phân phối, có khả năng hỗ trợ phối hợp với các doanh nghiệp trong nước sang làm ăn tại Lào. Các doanh nghiệp đã có những đóng góp thiết thực, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của bạn; tranh thủ được tình cảm và tín nhiệm của địa phương, là cầu nối góp phần vào củng cố, tăng cường hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào. 
 
Ông Đặng Văn Luyện-Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luông-pha-bang nhấn mạnh: “Về trách nhiệm, doanh nghiệp ta khi đầu tư kinh doanh, cần quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước về quan hệ hợp tác đầu tư,  thống nhất nhận thức về quan điểm kinh doanh của mình tại Lào, là không chỉ nhằm đơn thuần lời lãi mà cần quan tâm đến cả khía cạnh chính trị trong quan hệ đặc biệt Việt-Lào. Đó là phải góp phần xây dựng đất nước Lào cùng phát triển, là cầu nối góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào. Trong kinh doanh cần chấp hành đúng chủ trương chính sách, pháp luật của nước sở tại, cũng như những quy định của địa phương; triển khai, thực hiện đúng tiến độ các công trình, dự án đã ký kết; thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với Nhà nước, và địa phương nơi mình hoạt động”.

Hội nghị đã nêu lên một số mặt còn tồn tại, cần khắc phục như việc chậm triển khai dự án theo tiến độ đề ra; không đảm bảo tiềm lực tài chính; chấp hành không nghiêm quy định về đầu tư của Lào; hiện tượng cạnh tranh, tranh chấp dự án, mất đoàn kết, nói xấu lẫn nhau…làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh doanh nhân Việt Nam.

Trong buổi gặp gỡ, các đại biểu đã cùng thảo luận, tìm biện pháp phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ lao động Việt  làm việc trong các doanh nghiệp và số bà con Việt Nam sang làm ăn tự do ngày càng đông tại các tỉnh Bắc Lào; đề nghị Hội người Việt ở đó quan tâm giúp đỡ để bà con sớm ổn định làm ăn cũng như lưu ý bà con kinh doanh lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng cần thực hiện đúng quy định của địa phương, tránh vì chạy theo lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội của bạn, gây dư luận xấu. Với số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cùng với bạn xử lý vấn đề các khoản thu như thuế lao động, phí lưu trú…sao cho thống nhất và đúng quy định, bảo đảm quyền lợi người lao động; đồng thời phối hợp quản lý, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự, an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam.

Quốc Khánh (Lào)  
 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm