A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạ sĩ Văn Dương Thành với “Giai Điệu Hà Nội 1000 năm”

Sáng nay 25/9, nữ hoạ sĩ Văn Dương Thành (Việt kiều Thuỵ Điển) đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm “Giai Điệu Hà Nội 1000 Năm” và Văn Dương Thành Gallery tại biệt thự C29, 210 Nghi Tàm, Hà Nội. Chị ghi dấu sự trở về của mình bằng việc giới thiệu bộ tranh mới nhất đến với người yêu hội hoạ trong và ngoài nước. Chị cũng đem về bộ tranh làng quê và phố Việt từ những năm 1990 sau khi được trưng bày ở thủ đô nhiều nước.



Lễ cắt băng Khai mạc Triển lãm

Lễ khai mạc có sự tham dự của các Đại sứ Ba Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Algeria, Rumania, Bulgaria. 

Với mơ ước đưa hội hoạ của mình về Việt Nam, đến với bạn bè và các nhà sưu tầm, để trang hoàng các nhà riêng và các đại sảnh, họa sĩ Văn Dương Thành đã chuyển phòng tranh Văn Dương Thành tại Singapore và Stockholm về Hà Nội.

Hoạ sĩ Văn Dương Thành lớn lên ở Hà Nội và đã học tập 12 năm tại trường Mỹ thuật Hà Nội. Chị làm việc và sáng tác cả ở Việt Nam và Thuỵ Điển.

Trong số 1.600 tác phẩm của chị, nhiều tác phẩm được tuyển chọn vào Viện Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia của Việt Nam, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha và Singapore. Hoạ sĩ Văn Dương Thành đã nhận được nhiều giải thưởng quý giá như: “Chương trình Nghệ thuật Kiệt xuất Quốc tế của CFMI – USA, France năm 1995 và 1997, “Vinh danh Đất Việt 2007”.

Triển lãm lần này của chị trưng bày bộ tranh từ những năm 1990, vẽ cảnh Hà Nội cổ kính yên tĩnh 20 năm trước, những “Cổng làng quê Nam Định”, “Sơn Tây”, “Những mái rạ”, đống rơm với làn khói lam mờ toả lan trên rặng tre, “Những phụ nữ thôn quê giặt chiếu”, “Gội đầu bên bờ giếng đất”… Bộ tranh này đặc sắc ở sự truyền cảm sâu lắng và hoài niệm, về một tuổi thơ khi Văn Dương Thành còn đi học sơ tán về làng quê Hà Bắc xưa.

Có một bức tranh đã hành trình cùng Văn Dương Thành từ khi 16 tuổi, qua hai cuộc chiến tranh, đến Paris, Stockholm, Italy và về lại Hà Nội. Đó là một bức tranh hiếm hoi mà chị còn giữ được – “Bé Câu Cá Trên Sông Lệ Thủy Quảng Bình”. Khi đó không có màu và bút, Văn Dương Thành đã vẽ bằng que tre chấm mực tàu và lấy màu xanh từ lá cây giã dập. Bức tranh chỉ có hai màu đó đã được rất nhiều nhà sưu tầm quuốc tế ưa chuộng.

Bộ tranh làng quê Việt và phố Hà Nội này đã triển lãm qua 5 thành phố ở Thuỵ Điển, Thái Lan và Singapore.



Hoạ sĩ Văn Dương Thành

Tranh của hoạ sĩ Văn Dương Thành với phong cách hội hoạ ấn tượng, màu sắc êm ả, ít màu tương phản, diễn tả kỹ hình khối bằng ánh sáng của cảnh vật. Có chỗ lướt qua rung nhoà; có chỗ rất chi tiết đến từng cọng rơm rạ, từng mái ngói mũi hài, từng mảnh tường vôi long lở và đám hoa cỏ dại phất phơ bên bậc thềm đá cổ. Mảng tranh này gây cảm xúc hoài niệm về tuổi thơ và quá khứ cho người xem.

Bộ tranh mới trong năm 2010 hoàn toàn là sự tìm tòi mới mẻ, khác biệt với những sáng tác nói trên. Màu sắc thật lộng lẫy, đối chọi, tươi rực cũng vẫn diễn tả những cảnh vật ấy, những toà kiến trúc cổ ấy, những cổng làng, phố cũ, nhưng hoạ sĩ nhặt ra những đường nét chính để giữ lại cái hồn của sự vật, còn lại là sự bay bổng của đường nét và sự xoá nhoà chợt đến, sự huy hoàng của kiến trúc sưa trong bốn mùa. Mùa xuân có những cành cây nẩy lộc đong đưa rủ xuống bên cổng “Ô Quan Chưởng mùa xuân”, “Cửa Ô trong nắng vàng” của mùa hè rực nắng chói chang rơi thành giọt bên tường nâu xạm, đầu thu hoa vàng trải thảm “Bên bờ hồ Hoàn Kiếm”... Ba mươi bức tranh ghi lại Ô Quan Chưởng dưới trăng, đêm hè, nắng thu, dưới mưa xuân, trong màn sương sớm; có kích thước từ 1m đến 2,3m làm thoả mãn người xem một bữa tiệc của màu sắc.

Bộ tranh tĩnh vật vốn là sở trường của hoạ sĩ Văn Dương Thành. Từ khi còn ngồi ghế nhà trường chị đã có hai bức tĩnh vật “Hoa cúc trắng”“Hoa cúc rối” (1974) đã được Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia tuyển chọn. Những bông hoa sen, hoa súng lay động trên mặt nước Hồ Tây. Những hoa đào, mai, cúc tỏa hương dưới mưa xuân lắc rắc, những bông hoa dại thanh khiết vươn cành bên những bình gốm sưa thời Lý, Trần.

Mảng tranh chân dung được Văn Dương Thành xúc động diễn tả hình dáng, cá tính, tâm hồn của những nghệ sỹ lớn như “Chân dung nhạc sĩ Văn Cao”, danh hoạ “Bùi Xuân Phái màu tím”, “Nhà sưu tầm Vương Hồng Sển”, “Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh” cho đến các “Em bé ngủ”, “Bé tắm cùng mẹ”, “Bé và mèo” trên chất liệu sơn mài.

Nhân dịp thế giới kỷ niệm thiên tài âm nhạc Chopin, bức chân dung Chopin do hoạ sĩ Văn Dương Thành thể hiện còn ướt sơn cũng được trưng bày. Chị cho biết, từ khi còn thơ bé chị đã lấy nguồn cảm sáng tác từ những giai điệu rung cảm mãnh liệt của Chopin.

Art Văn Dương Thành Gallery toạ lạc trong một toà nhà kiểu Pháp bốn tầng mà nội thất do chính hoạ sỹ thiết kế; từ những tảng đá hoa cương, những bức tranh hoa sen bằng đá tự nhiên cao vài mét trên tường và trong góc vườn nhỏ, cho đến những vòm cửa cuốn cong, những tranh hoa sắt uốn đều diễn tả về hoa sen và sóng nước.

Ở tầng một, những bức tranh lớn phản chiếu xuống mặt nước, bên những tảng đá lớn có cây xanh và nước chảy róc rách đem lại cho người xem cảm xúc thư giãn và hoà mình vào những bức tranh.

Đến với Art Văn Dương Thành Gallery, bên cạnh những bức tranh còn ướt sơn và đang trong quá trình hình thành, bạn còn được thưởng thức những tác phẩm vô giá của các hoạ sĩ bậc thầy của Việt Nam. Với họa sĩ Bùi Xuân Phái, bạn được xem bộ chân dung sơn dầu khổ lớn đến 90cm, “Thiếu nữ áo đỏ 1974”, và hàng chục bức ký hoạ từ những năm 1954. Những tác phẩm khác của Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Thụ làm cho Art Văn Dương Thành Gallery trở thành một ngôi nhà nghệ thuật.

Một số hình ảnh tại Triển lãm tranh:



"Ô Quan Chưởng"



"Phố Hàng Da mùa Xuân"
 

Thuận Phương


Tin liên quan

Tin tiêu điểm