A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn kiều bào thăm Giáo hội Phật giáo VN và Hoàng thành Thăng Long

Sáng 8/10, Đoàn đại biểu kiều bào về dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu đã tới thăm TW Giáo hội Phật giáo VN. Chiều cùng ngày, Đoàn đi thăm quan Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Bà con kiều bào đã làm lễ, dâng hương chiêm bái Xá lợi Phật đang được thờ tại Chùa Quán Sứ.



Đoàn dâng hương tại Chùa Quán Sứ 


Đoàn được Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Thường trực TW Giáo hội Phật giáo VN tiếp đón. Hòa thượng rất vui mừng trong không khí cả nước đang hướng về Thăng Long – Hà Nội, bà con kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới đã về chung vui với bà con trong nước. Bà con kiều bào đã được Thượng tọa Thích Gia Quang – Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự TW Giáo hội giới thiệu về tổ chức của Giáo hội.



Hòa thượng Thích Thanh Tứ phát biểu tại buổi tiếp 


Nhân dịp này, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TW Giáo hội và tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn đã chia sẻ và trả lời những băn khoăn về không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con kiều bào. Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, đây là nguyện vọng chính đáng của bà con ta tại nước ngoài, ông hứa sẽ cùng với các cơ quan đại diện VNONN làm việc với chính quyền sở tại nơi có đông bà con ta đang sinh sống để bà con có được không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh, duy trì văn hóa Việt như bà con mong muốn.


 
Kiều bào phát biểu thể hiện mong muốn có không gian sinh hoạt văn hoá tâm linh
ở nước ngoài dành cho cộng đồng


Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh “Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc". Dưới thời Lý và thời Trần, Phật giáo trở thành quốc Đạo, trải qua các thời kỳ Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn trong đời sống văn hoá xã hội Việt Nam. Thượng tọa cho biết Ban Hoằng pháp của Giáo hội sẽ tiếp tục có những chuyến đi đến những nước có nhiều bà con người Việt sinh sống để hướng dẫn bà con tu tập. Thượng tọa mong muốn bà con kiều bào hãy làm việc và sống tốt trong tinh thần “hoài cổ trí tâm” của người Việt, tiếp nối truyền thống cha ông dựng nước và giữ nước, dù ở nơi đâu vẫn là con Lạc cháu Hồng, cùng nhau xây dựng và giữ gìn bảo tồn nền văn hoá Việt Nam…



Giáo sư Phan Huy Lê giới thiệu về Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội 


Chiều cùng ngày, Đoàn đã đến thăm quan di tích Hoàng Thành Thăng Long. Tại đây Đoàn đã được nghe Giáo sư Sử học Phan Huy Lê giới thiệu những nét khái quát về di tích Hoàng Thành Thăng Long và ý nghĩa lịch sử của nó. Với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Thăng Long – Hà Nội từ thời cổ đại, qua các triều vua và trong lịch sử hiện đại, vẫn là một trong những trung tâm chính trị văn hóa nổi bật nhất của cả nước. Trong những ngày tháng lịch sử đầy ý nghĩa này, Thăng Long – Hà Nội không chỉ là mối quan tâm đặc biệt đối với bà con trong và ngoài nước, mà còn đối với cả bạn bè quốc tế. Những hiện vật và dấu tích Hoàng Thành xưa thể hiện bề dày lịch sử dân tộc đã giúp bà con trong Đoàn có những hiểu biết sâu sắc hơn về cha ông. Dấu tích thời gian của các thế hệ đi trước vẫn còn đây trên mảnh đất linh thiêng hào hoa - trái tim của cả nước, đã làm những người con xa quê hương bồi hồi cảm động và rất đỗi tự hào về mảnh đất Thăng Long – Đông Đô- Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ai cũng mong muốn di tích được bảo vệ và gìn giữ cho mãi đến mai sau.




Đoàn cùng tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn chiêm bái Xá lợi Phật 




Xá lợi Đức Phật 




Thăm quan Hoàng Thành 







Các hiện vật khai quật được tại Hoàng Thành 




Thăm khu Điện Kính Thiên  


Hương Thảo


Tin liên quan

Tin tiêu điểm