A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, sẻ chia với người dân trong nước vượt qua dịch bệnh Covid-19

Hiện có khoảng gần 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều quốc gia có kiều bào sinh sống, lao động và học tập đang bị dịch Covid-19 hoành hành. Bởi vậy, cuộc sống, tâm lý của bà con cũng bị tác động không nhỏ trong đợt dịch bệnh này. Nhưng với tinh thần tương thân tương ái, tấm lòng hướng về quê hương, bà con ta đã phát huy sự đoàn kết và sẻ chia với người dân trong nước, để cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

Hội người Việt Nam tại Ba Lan trao tặng khẩu trang cho tỉnh Vĩnh Phúc 

Hơn 2 tháng qua, có lẽ những từ khóa như “dịch viêm đường hô hấp cấp”, “virus Corona” hay “Covid-19” là những từ khóa được tìm kiếm và quan tâm nhất trên toàn thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang phải đối phó với dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.

Nỗi lo lắng mang tên “Covid-19”

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, một nỗi lo lắng “có căn cứ” đã manh nha khi các phương tiện truyền thông trên thế giới đều đồng loạt đưa tin về việc phát hiện một chủng virus mới chưa từng biết tới, gây ra căn bệnh giống như viêm phổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Lúc đó bệnh này được gọi là "viêm phổi lạ". Chỉ hai tuần sau khi báo cáo những ca "bệnh lạ" đầu tiên tại Vũ Hán, các nhà khoa học Trung Quốc đã mau chóng xác định được chủng virus mới này thuộc họ virus corona, một họ virus có nhiều chủng thường gây các bệnh ở hệ hô hấp như viêm phổi, cảm lạnh. Nhưng đó cũng là lúc chủng virus corona mới này lây lan rất nhanh khắp thành phố Vũ Hán và vượt qua địa phận thành phố này sang các thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc. Sau nhiều cân nhắc, ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch virus corona (Covid-19) là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Trong một thế giới phẳng và thời đại công nghệ thông tin lên ngôi như hiện nay thì những thông tin về dịch bệnh Covid-19 cũng nhanh chóng được cập nhật. Có lẽ trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, cộng đồng người Việt tại các nước châu Âu hay tại Mỹ - những quốc gia có đông người Việt định cư, sinh sống - cũng không quá bận tâm khi dịch bệnh này vốn được coi là khởi nguồn tại châu Á. Nhưng dù vậy, phần lớn bà con kiều bào vẫn còn gia đình, họ hàng sinh sống tại Việt Nam, và đây cũng chính là quê hương, cội nguồn của họ, bởi vậy thông tin về dịch bệnh vẫn là mối quan tâm, lo lắng của nhiều người. Trong nhịp sống mưu sinh hối hả nơi đất khách, giờ bà con đã có thêm mối bận tâm mới, đó là thường xuyên cập nhật tin tức về tình hình dịch Covid-19 và gọi điện về thăm hỏi gia đình, người thân nơi quê nhà.

Nhưng đến đầu tháng 2/2020, khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc và có nguy cơ lan rộng ra nhiều quốc gia khác thì nỗi lo lắng, hoang mang mang tên “Cô Vy” (cách mà nhiều người vẫn gọi Covid-19 với cái tên “dân dã”) đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng người Việt cả ở trong và ngoài nước. Thông tin về cộng đồng người Việt tại Vũ Hán, do nhiều lý do ở lại Trung Quốc trong dịp Tết nguyên đán, đã thường xuyên được quan tâm, cập nhật trên các phương tiện truyền thông tại Việt Nam. Nỗi lo lắng mang tên “Cô Vy” tiếp tục được nhắc đến khi Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc khi ngày 24/2/2020, Hàn Quốc trở thành quốc gia có số ca mắc virus corona cao nhất ngoài Trung Quốc. Ngày 29/2/2020, Hàn Quốc đã xác nhận một người Việt nhiễm COVID-19 ở Daegu – nơi được coi là tâm dịch Covid-19 tại Hàn Quốc. Đáng nói hơn cả đây cũng là quốc gia có khoảng hơn 200 nghìn người Việt đang định cư, lao động và học tập, bởi vậy tâm lý lo lắng, hoang mang là điều không tránh khỏi. Chia sẻ về điều này, chị Thái Thị Ngọc Bích - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Gyeongbuk-Daegu, Hàn Quốc - cho biết: “Sau khi nghe tin có một người Việt đã bị Covid-19 thì mọi người càng lo lắng nhiều hơn. Ai cũng hạn chế đi ra ngoài, chỉ đi làm rồi về nhà, khi hết thức ăn thì mới đi siêu thị. Các trường học tại Hàn Quốc cũng thông báo tạm đóng cửa, hoãn khai giảng đến cuối tháng 3”. Nhiều cô dâu, lao động và du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc cũng bày tỏ sự lo lắng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc thông qua mạng xã hội hay qua kết nối với các kênh truyền thông chính thống ở trong nước. Chị Vũ Huyên – cô dâu Việt tại Hàn Quốc chia sẻ thêm: “Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và đời sống của người dân Hàn Quốc nói chung và người Việt mình bên này nói riêng. Con cái nghỉ học nên bố mẹ phải ở nhà trông nom, mọi sinh hoạt đều xáo trộn. Gia đình, bạn bè tại Việt Nam cũng gọi điện, nhắn tin thăm hỏi hàng ngày. Trong tình hình này thì lạc quan đến mấy vẫn không tránh khỏi sự lo lắng, hoang mang!”.

Đầu tháng 3/2020, dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng sang các nước châu Âu, một loạt các quốc gia có đông người Việt sinh sống như: Italia, Pháp, Đức, Séc, Ba Lan, Hungary… cũng đã ghi nhận những ca nhiễm virus corona và có cả những ca tử vong tại một số nước. Nỗi lo lắng mang tên “Cô Vy” lại tiếp tục dấy lên. “Điều đáng nói là cứ mỗi ngày lại có thêm nhiều quốc gia gia nhập khối những nước có người nhiễm Covid-19. Cùng với việc các nước lớn như Đức, Italia và Pháp ở châu Âu cũng đang phải vật lộn với đại dịch, điều đó càng khiến cho bà con có tâm lý thấp thỏm chờ đợi. Đó cũng là mối nguy hiểm đối với chính họ và đối với bà con. Đây là một tình huống chưa từng có tiền lệ, ít nhất là trong vòng ba thập niên gần đây” – nhà báo Hoàng Linh, Tổng biên tập Tạp chí Nhịp cầu thế giới hiện đang định cư tại Hungary cho biết.

 Cộng đồng người Việt tại Séc chuẩn bị khẩu khang chuyển về nước

Tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng do Covid-19

Không chỉ tác động tới tâm lý của cộng đồng, dịch Covid-19 còn đã và đang tác động tới tình hình kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó nghiêm trọng hơn cả là ngành du lịch. Việc hạn chế đi lại của khách du lịch Trung Quốc nói chung và khách châu Á nói riêng cũng đe dọa tới nguồn thu lớn của ngành du lịch tại một số quốc gia; kéo theo đó là tình hình làm ăn, kinh doanh của nhiều bà con kiều bào cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các trung tâm thương mại, khu mua sắm, các khu chợ của người Việt tại Mỹ, Ba Lan, Đức, Séc cũng vắng vẻ hơn, du khách vắng hơn trước, người dân hạn chế đi lại, tụ tập nơi đông người, kéo theo tình hình kinh doanh, buôn bán ế ẩm cũng là điều dễ hiểu.

Tại khu Chinatown, nơi các vị khách Trung Quốc thường dừng chân dùng bữa khi tới New York - Mỹ, từ khi có tin dịch bệnh, các hàng quán nơi thì đóng cửa, nơi thì cố hoạt động cầm chừng. Chị Nancy Huỳnh, quản lý Quán Phở Việt Nam tại New York, bộc bạch: “Tháng 11, 12 vừa qua còn tạm ổn. Nhưng từ hồi Tết bắt đầu thấy ảnh hưởng nhiều rồi. Phải giảm mất 50%, bây giờ vẫn vậy, không khá lên được”.

 Chợ của người Việt tại Ba Lan vắng vẻ

Còn tại Ba Lan, tình hình kinh doanh của bà con tiểu thương người Việt mấy năm nay vốn đã khó khăn, giờ lại thêm dịch bệnh hoành hành khiến bà con cũng rất lo lắng. “Tình hình kinh doanh của bà con rất bị ảnh hưởng, thậm chí là bị ảnh hưởng từ trước khi dịch bệnh tại Italia lan rộng. Người dân nước sở tại hạn chế tới các khu của người châu Á do lo ngại dịch bệnh. Tất cả công dân người châu Á ở Warszawa nói riêng và các tỉnh thành của Ba Lan nói chung gần như là không làm ăn buôn bán được nữa”, - bà Nguyễn Việt Triều - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan chia sẻ với phóng viên.

Ngày 5/3/2020, Hàn Quốc đã đưa thành phố Gyeongsan vào diện "khu vực quản lý đặc biệt" do tình hình lây lan của dịch Covid-19. Đây là địa phương thứ 3 tại Hàn Quốc bị xếp vào nhóm này. Khu chợ Gyeongsan của thành phố phải đóng cửa để phun thuốc khử trùng. Các hoạt động buôn bán sinh hoạt của các tiểu thương ở đây đều bị ảnh hưởng do người dân hạn chế ra đường và đến những nơi đông người. Nhiều cửa hàng của bà con người Việt tại Gyeongsan cũng rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách. Chị Trần Thị Mỹ Duyên, Chủ nhà hàng Việt-Hàn tại đây buồn bã nói: “Quán phải đóng cửa hơn 1 tuần nay và các khoản chi phí thuê mặt bằng, thuế, làm cho mọi sinh hoạt trở nên khó khăn hơn trước dịch bệnh”.

“Một năm kinh tế buồn” là nỗi lo lắng của rất nhiều bà con trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay.

 Quán ăn của người Việt tại Hàn Quốc ế ẩm

Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái vượt qua dịch bệnh

Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện, trong nước, Chính phủ Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị đều đồng loạt vào cuộc để ứng phó với dịch bệnh trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi. Hàng loạt những cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban đã được triển khai, thậm chí có những cuộc họp khẩn cấp ngay trong đêm; nhiều giải pháp của các bộ, ban, ngành về chống dịch đã được đưa vào triển khai trên phạm vi toàn quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, các chỉ đạo và giải pháp kịp thời này đã mang lại những kết quả khả quan trong công cuộc chống dịch của Việt Nam.

Trong tình hình dịch bệnh hoành hành như vậy nhưng đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19, tình hình chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài được Chính phủ đặc biệt quan tâm: Ngày 10/2/2020, một chuyên cơ đã đón và đưa 30 công dân người Việt trở về từ Vũ Hán; Bộ Ngoại giao Việt Nam, các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đã lập các đường dây nóng bảo hộ công dân; Tổ chức đón và cách ly tập trung công dân Việt Nam trở về từ vùng có dịch Covid-19 một cách bài bản, an toàn, chu đáo… WHO đã hoan nghênh sự phối hợp hiệu quả giữa các nước ASEAN và vai trò Chủ tịch của Việt Nam trong lĩnh vực này là rất quan trọng, đã góp phần kiểm soát dịch Covid-19 trong khu vực. Những nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Điều đó đã tạo nên niềm tin và động lực không chỉ cho người dân trong nước, mà còn cả bà con kiều bào tại nước ngoài. “Qua những phương tiện truyền thông thì tôi thấy các ban, ngành của Việt Nam đã có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả. Cá nhân tôi rất khâm phục trình độ và tinh thần hy sinh của các y bác sỹ trong nước. Đó là nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận quyết tâm chính trị của Chính phủ và sự chung sức đồng lòng của người dân.”; “Việc đón công dân Việt trở về từ vùng dịch đã thể hiện tính nhân văn trong chính sách của Nhà nước Việt Nam, đó là sự đùm bọc, giúp đỡ tất cả những ai là công dân nước Việt, không xa lánh, không hắt hủi, đương nhiên là phải có chế độ cách ly rất chặt chẽ để tránh lây nhiễm cho cộng đồng và điều đó làm cộng đồng NVNONN thấy rất ấm lòng”… Đó là một vài trong rất nhiều cảm nhận và chia sẻ của bà con kiều bào mà phóng viên ghi nhận được.

Không chỉ dừng lại ở sự thấu hiểu, cộng đồng NVNONN đã phát huy tinh thần tương thân tương ái với người dân trong nước bằng những hành động thiết thực. Trong đó câu chuyện tại Ba Lan có sức lan tỏa hơn cả.

Ngay từ khi Việt Nam tuyên bố dịch Covid-19, đặc biệt là có tâm dịch ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã thành lập Ban hỗ trợ cộng đồng trong dịch Covid-19 do ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội - làm trưởng Ban, nhằm đưa ra các biện pháp hỗ trợ bà con người Việt tại Ba Lan ứng phó với dịch bệnh. Đặc biệt, Ban đã kêu gọi, quyên góp để mua khẩu trang, nước diệt khuẩn, vitamin gửi về hỗ trợ nhân dân ở quê nhà. Điều đáng trân quý là trong tình hình kinh tế khó khăn như vậy, nhưng kiều bào tại Ba Lan vẫn luôn sẵn lòng ủng hộ người dân vùng dịch trong nước với tâm niệm “tích tiểu thành đại”. Chị Ngô Thị Hà và ông Nguyễn Công Diện, hiện đang kinh doanh tại Warszawa, không ngần ngại chia sẻ: “Tình hình buôn bán của bà con ở đây bây giờ rất khó khăn. Nhưng chúng tôi ở nước ngoài vẫn có tấm lòng nho nhỏ để giúp mọi người trong nước vượt qua giai đoạn này”; “Tôi mới ở Việt Nam sang, ở Việt Nam nhà nước đối phó với dịch Covid-19 này rất tốt. Sang đây nghe cộng đồng, Hội người Việt kêu gọi ủng hộ mua khẩu trang y tế và những thứ khác, tôi thấy việc làm này rất nhân văn và ý nghĩa nên tôi cũng xin đóng góp”. Trên tinh thần đó, chỉ sau một thời gian ngắn phát động, cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã gom góp được 3 chuyến hàng để chuyển về nước. Dưới sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan và Ủy ban Nhà nước về NVNONN, số hàng (gồm 5000 chiếc khẩu trang, 200 lọ nước sát trùng, 200 lọ vitamin) đã được trao tận tay cho bà con xã Sơn Lôi tỉnh Vĩnh Phúc, các bệnh viện và những nơi cần thiết khác.

Hành động đẹp và ý nghĩa đó của bà con kiều bào Ba Lan cũng đã lan tỏa tới Cộng hòa Séc. Hội đồng hương Vĩnh Phúc tại Séc đã phối hợp với Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Séc kêu gọi cộng đồng người Việt cùng chung tay quyên góp ủng hộ trang thiết bị y tế cho khu vực Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. 40.000 khẩu trang y tế, 10.000 găng tay, 137 bộ quần áo chống dịch chuyên dụng cho bác sĩ, 30 máy đo thân nhiệt cùng nước khử trùng, khăn ướt và khăn khử trùng đã được bà con kiều bào tại Séc chuyển về nước.

Những hành động ý nghĩa như vậy của bà con kiều bào đã mang lại nguồn động viên rất lớn cho người dân trong nước.

Dịch bệnh là điều không ai trong chúng ta mong muốn, nhưng dịch bệnh cũng không phải là sự kiện hiếm gặp trong tiến trình phát triển của nhân loại. Và cũng chính kinh nghiệm từ sự bắt buộc phải đối diện, chiến đấu với dịch bệnh đã đem lại sự phát triển và những bước tiến dài cho nền y học thế giới. Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Đối với thế giới, cuộc chiến mang tên Covid-19 trước mắt vẫn còn đầy cam go, nhưng với tất cả những diễn biến cho tới thời điểm này, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể lạc quan rằng Việt Nam đã đi đúng hướng trong cuộc chiến với dịch bệnh này. Điều đáng quý hơn cả đó là sự đoàn kết, ý chí của người dân trong nước, là sự sẻ chia của kiều bào ta ở nước ngoài để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh, ổn định đời sống cho người dân, chung tay phát triển kinh tế cho đất nước.

Mộc Lan


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu