Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban Nhà nước về NVNONN: Nỗ lực thu hút nguồn lực kiều bào đóng góp cho đất nước

Với số lượng hơn 4,5 triệu người sinh sống ở trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung ở các nước có trình độ phát triển với một tỷ lệ đáng kể được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao, hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học - công nghệ..., cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày càng phát triển và khẳng định được vị thế. Nếu thu hút tốt, đây sẽ là nguồn lực quan trọng cả về chất xám và kinh tế, có thể tham gia và đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển, CNH, HĐH đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp với
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về các vấn đề phát triển kinh tế (có sự tham gia của 4 kiều bào), tháng 12/2017

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là một nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN đã khẳng định “NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới.

Đa dạng hóa các hình thức tham gia đóng góp của NVNONN

Thực hiện Chỉ thị 45, Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN giai đoạn 2016 – 2020 và Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao, năm 2017, Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, triển khai toàn diện công tác đối với NVNONN trên nhiều mặt nhằm tăng cường sự gắn bó giữa kiều bào với quê hương, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Công tác vận động doanh nhân, trí thức kiều bào được Ủy ban triển khai tích cực với nhiều hình thức đa dạng, thể hiện sự coi trọng nguồn lực của kiều bào và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh những hoạt động cụ thể, Ủy ban cũng đồng thời triển khai công tác nghiên cứu lý luận phục vụ công tác. Trí thức NVNONN và thực tiễn huy động nguồn lực trí thức NVNONN cả về xây dựng chính sách và kết quả vận động được đề cập ở nhiều cấp độ, góc độ khác nhau trong các đề tài nghiên cứu chung về cộng đồng NVNONN và các đề tài nguyên cứu tập trung về vấn đề này. Năm 2017, Ủy ban vừa bảo vệ thành công Đề tài nghiên cứu cấp Bộ “nguồn lực trí tuệ của cộng đồng NVNONN và định hướng tranh thủ nguồn lực đó để bảo vệ và phát triển đất nước”.

Giai đoạn từ sau khi Chỉ thị 45 ra đời đến nay đánh dấu quá trình hợp tác sôi động với mật độ liên tục, nhộn nhịp diễn ra trên khắp các lĩnh vực giữa trí thức, doanh nhân kiều bào với trong nước. Đáng chú ý, mức độ hợp tác đã ngày càng đi vào chiều sâu, kiều bào không chỉ đứng ngoài quan sát, đánh giá, nêu ý kiến và hỗ trợ mà đã trực tiếp tham gia, trực tiếp hành động và trở thành một bộ phận đóng góp hiệu quả cho các quá trình hợp tác, cùng đồng hành tích cực với Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Nổi bật nhất trong năm 2017, phải kể đến sự tham gia của 4 giáo sư NVNONN vào Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về các vấn đề phát triển kinh tế, xây dựng chiến lược, chính sách phát triển (được thành lập ngày 28/7 vừa qua, gồm 15 thành viên), đó là: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana, Hoa Kỳ; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương - Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, CH Pháp; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương - Đại học quốc gia Singapore; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thọ - Đại học Wasada, Nhật Bản.

Ngoài ra, còn có hàng loạt các hoạt động lớn do trong nước tổ chức có sự tham gia tích cực của kiều bào hoặc do kiều bào tổ chức như: Diễn đàn chuyên gia trí thức NVNONN với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”,  do Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tháng 6/2015. Đây là hội nghị không lớn về quy mô nhưng lớn về tầm cỡ, bởi lần đầu tiên quy tụ được các nhà khoa học Việt Nam hàng đầu trên thế giới và đông đảo chuyên gia, trí thức trong nước tham dự Diễn đàn với những trao đổi, chia sẻ về các thách thức, khó khăn, dự báo sự phát triển, phương hướng để đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước. Hội nghị NVNONN lần thứ 3 do Ủy ban tổ chức tại TP Hồ Chí Minh tháng 11/2016 đã thu hút khoảng 500 kiều bào, trong đó số lượng thuộc đối tượng được quy định trong Nghị định 87 (có bằng tiến sỹ trở lên) là trên 200 người.

Các Chương trình Gặp gỡ Việt Nam do GS. Trần Thanh Vân (Pháp) tổ chức và Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam năm 2016 (VEAM2016) do GS Lê Văn Cường (Pháp) tổ chức cũng thu hút hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia NVNONN.

Nhóm Sáng kiến Việt Nam (SKVN) - một tổ chức giáo dục độc lập, phi chính phủ, phi chính trị, hoạt động như một mạng lưới toàn cầu chuyên nghiên cứu và đào tạo về chiến lược phát triển cho Việt Nam do PGS, TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana - Hoa Kỳ, làm Giám đốc. Các công trình nghiên cứu của SKVN được thực hiện bởi các cộng sự nghiên cứu từ hơn 40 trường đại học, công ty luật và các tổ chức quốc tế trên khắp nước Mỹ và trên thế giới theo đặt hàng của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Các chương trình đào tạo của SKVN được dành cho các cá nhân xuất sắc giữ các vị trí lãnh đạo trong Chính phủ Việt Nam học tập ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ và các cấp điều hành. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về Phát triển Việt Nam” (Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhóm SKVN đồng tổ chức tại Hà Nội), tháng 12/2016

Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) do Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương làm Chủ tịch tuy mới thành lập vào tháng 5/2011, nhưng đã tổ chức được hàng loạt hoạt động kết nối nguồn tri thức trong mọi lĩnh vực khoa học và kỹ thuật ở nước ngoài và đồng thời định hướng đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Có thể kể đến các hoạt động nổi bật như: Hợp tác với các Bộ Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải triển khai các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở các khóa đào tạo về tài chính và kinh tế, xây dựng, đô thị hóa, năng lượng nguyên tử và năng lượng tái tạo; Phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức các hội thảo chuyên ngành, các chương trình đào tạo sinh viên và thu hút học giả, với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về đào tạo cán bộ lãnh đạo…; Xây dựng đề án phát triển các địa phương: TPHCM, Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Ninh…; Tham gia và tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo trong nước.

Đặc biệt, từ ngày 8-11/12 vừa qua, tại San Francisco và New York, Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với TPHCM tổ chức Diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Ủy ban chính thức kết nối với lớp trí thức trẻ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Silicon Valley. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động về thu hút chuyên gia, trí thức NVNONN thời gian qua như Hội nghị NVNONN năm 2016 tại TPHCM nói trên, Hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến cho TPHCM về 2 chủ đề Năng lượng sạch và Big Data năm 2017, chuỗi hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế số hóa và Phát triển bền vững do AVSE phối hợp với các bộ, ngành tổ chức năm 2017 và đầu năm 2018. Diễn đàn bao gồm Hội thảo ngày 9/12 tại San Francisco, với sự tham dự của 150 đại biểu, trong đó có đại diện một số quỹ đầu tư, chuyên gia về khởi nghiệp của Mỹ, các startup người Việt tại Mỹ, các nhân viên người Việt đang làm việc cho các tập đoàn, công ty lớn tại Silicon Valley và hơn 20 doanh nghiệp khởi nghiệp từ Việt Nam sang, cùng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh chương trình Hội thảo, các đại biểu cũng đi thăm một số vườn ươm khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, một số startup thành công  tại Silicon Valley và New York. Diễn đàn đã giúp tăng cường hiểu biết về tình hình hệ sinh thái khởi nghiệp của Hoa Kỳ nói chung và tình hình các startup của người Việt tại Hoa Kỳ nói riêng; Kết nối các startup của người Việt tại Hoa Kỳ và tại Việt Nam với nhau và với các doanh nghiệp lớn, các quỹ đầu tư tại Hoa Kỳ; Tạo cơ hội để các startup của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thành công; Các nhà hoạch định chính sách về khởi nghiệp của Việt Nam trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong chính sách hỗ trợ các startup; Quảng bá những sản phẩm, ý tưởng của các startup người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam. Hoạt động này cũng có sự tham gia phối hợp tích cực của Nhóm SKVN.

 

Các đại biểu tham gia thảo luận chuyên đề tại Diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam, tháng 12/2017

Cũng trong năm 2017, nhằm đẩy mạnh công tác vận động trí thức NVNONN, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã khởi động xây dựng trang thông tin điện tử kết nối trí thức NVNONN toàn thế giới với trong nước để phục vụ phát triển đất nước. Dự kiến trang thông tin điện tử này sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2018.

Để tăng cường hiệu quả thu hút nguồn lực kiều bào

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh kinh tế bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trước tình hình kinh tế tri thức đạt mức độ cao mới, Việt Nam đứng trước đòi hỏi vừa phải đi vào một thời kỳ phát triển mới sau 30 năm Đổi mới, vừa phải thay đổi triệt để nhằm đối phó và thích nghi được với những thách thức mới toàn cầu. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trò chuyện cùng đại biểu kiều bào tại
Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, tháng 11/2016 

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, công tác về chuyên gia, trí thức kiều bào luôn nắm vị trí quan trọng trong công tác về NVNONN nói chung, được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng, không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra những cơ chế, môi trường thuận lợi cho trí thức kiều bào. Nhiệm vụ trọng tâm được nhấn mạnh trong nhiều các văn kiện của Đảng, Nhà nước liên quan đến NVNONN là “hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước.”

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai công tác, còn tồn tại những chậm trễ trong việc ban hành chính sách khai thác, sử dụng nguồn lực trí thức kiều bào, chưa khai thác và sử dụng hiệu quả “kho tàng kiến thức” của những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành NVNONN, dẫn đến sự lãng phí nguồn tài nguyên quý báu này của quốc gia. Những hạn chế này đã và đang tác động không nhỏ đến tình cảm, tâm lí, sự sẵn sàng, ý chí, nỗ lực vượt qua khó khăn của trí thức NVNONN muốn cống hiến tài năng, trí tuệ góp phần phát triển đất nước. Về lâu dài, việc thu hút các thế hệ người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài (khi mà các mối liên hệ với trong nước càng ít đi) cũng như du học sinh sinh viên VNONN (càng ngày càng đông thêm) về tham gia xây dựng đất nước cũng bị ảnh hưởng.

Để nguồn lực chất xám của NVNONN thực sự phát huy được vai trò và hiệu quả đóng góp cho đất nước, trước hết, cần có sự đổi mới về nhận thức, tư duy và hành động với nỗ lực tích cực của cả trong và ngoài nước: (i) Cần có thái độ và cách nhìn nhận đúng đắn tôn vinh giá trị công sức học tập, thành tích khoa học, công nghệ, kiến thức và kinh nghiệm quản lý... của trí thức NVNONN vì thành công của họ góp phần làm vẻ vang cho dân tộc và Tổ quốc Việt Nam; (ii) Nêu cao nhận thức nguồn lực chất xám của trí thức NVNONN tạo thêm động lực nâng cao chất lượng phát triển, giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững và các nguồn lực chuyên môn của kiều bào là sự lựa chọn bổ sung cho nhiệm vụ đào tạo nhân lực, có hiệu quả nhanh hơn, tiết kiệm hơn so với biện pháp đào tạo mới;

Thứ hai, quá trình nghiên cứu về công tác đối với trí thức kiều dân ở một số nước và vùng lãnh thổ có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Philippine, Hàn Quốc, Croatia, Chile và Israel đã cho thấy, Việt Nam cần triển khai đồng bộ, toàn diện các nhóm giải pháp để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác thu hút nguồn lực NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Các nhóm giải pháp đi từ thông tin tuyên truyền, chính sách trọng dụng, đãi ngộ, ưu đãi đầu tư – kinh doanh – bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giải pháp về tổ chức thực hiện đến giải pháp về kinh phí. Trước mắt, giải pháp cụ thể cần triển khai thực hiện trong ngắn và trung hạn gồm: (i) xác lập cơ chế chỉ đạo, điều hành thống nhất công tác vận động, thu hút chuyên gia, trí thức NVNONN (ii) thiết lập mạng thông tin, hỗ trợ, kết nối chuyên gia, trí thức NVNONN toàn thế giới; (iii) tạo các kênh hợp tác thu hút chuyên gia  trí thức kiều bào với các bộ ngành, cơ quan, địa phương trong cả nước; (iv) tổ chức mô hình thí điểm trong lĩnh vực Khoa học và công nghệ và Giáo dục - đào tạo là hai lĩnh vực được trí thức kiều bào quan tâm và có khả năng tham đóng góp, đầu tư và phát triển; (v) kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường trách nhiệm và phối hợp trong công tác vận động chuyên gia, trí thức NVNONN.

 

Ts. Nguyễn Minh Hà - World Bank, Hoa Kỳ - trình bày tham luận tại Diễn đàn chuyên gia trí thức NVNONN
với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tháng 6/2015

Cuối cùng và rất quan trọng là huy động nguồn lực phải đi đôi với bồi dưỡng nguồn lực, thu hút chất xám NVNONN cũng đồng thời là chống chảy máu chất xám, do đó việc thực hiện các chính sách nhằm thu hút nguồn lực trí thức luôn gắn liền với việc thực hiện tốt chính sách chung đối với cộng đồng NVNONN, hỗ trợ cộng đồng phát triển ổn định, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, duy trì việc dạy và học tiếng Việt, đáp ứng các nhu cầu văn hoá, tâm linh; thúc đẩy giao lưu văn hoá, thể thao với trong nước...

Như Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong thông điệp đầu năm gửi kiều bào đăng trên Tạp chí Quê Hương số báo Xuân Đinh Dậu 2017 đã viết: “Thế mạnh lớn nhất của cộng đồng NVNONN là nguồn tri thức, trí tuệ dồi dào đã và đang được khơi dậy để cống hiến cho đất nước”, nguồn tri thức, trí tuệ đó nếu được huy động tốt, thì chắc chắn sẽ góp thêm ngọn gió thổi căng cánh buồm đưa con tàu Việt Nam mạnh mẽ tiến lên phía trước.

Tùng Chi


Các tin khác

Tin tiêu điểm