A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt Nam tại Hàn Quốc: Nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập

Bản sắc văn hóa dân tộc chính là cội rễ, “rễ đâm sâu thì cây càng vững”, còn nếu “rễ” cạn dần và ít đi thì dĩ nhiên sẽ dễ dàng bị cuốn phăng bởi “cơn lốc” của các nền văn hóa khác. Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đã và đang tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, “hòa nhập chứ không hòa tan”…



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến thăm và nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người VN tại Hàn Quốc, tháng 7/2013

Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, luôn phải gánh trên vai hai “nhiệm vụ” có vẻ đối lập nhau: “hội nhập thành công với xã hội nước sở tại” và “giữ gìn bản sắc bản sắc văn hóa dân tộc”. Hiện nay, với số lượng hơn 126 ngàn người tại Hàn Quốc, cộng đồng người Việt luôn cố gắng để hội nhập, thích nghi với văn hóa sở tại nhưng không "hòa tan". 

Trong quá trình hội nhập, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là điều rất cần thiết, bởi “bản sắc văn hóa” chính là cái làm cho dân tộc này không trở thành và không là cái bóng của dân tộc khác. Điều đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến – đặc biệt sau khi đã thành lập được các tổ chức hội đoàn của người Việt trên xứ sở Kim chi - là tập hợp và phát triển cộng đồng thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, thúc đẩy và nâng cao phong trào văn hóa văn nghệ, tạo sự đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cụm, khối, bộ phận cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. Đồng thời, cũng chủ động, tích cực tham gia và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động với khối cộng đồng quốc tế tại nước sở tại, từ đó góp phần giới thiệu những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đất nước - con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Thuận lợi và Thách thức

Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm văn hóa, lịch sử khá tương đồng. Mặt khác, chỉ trong hai thập niên vừa qua, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và du lịch...), hiện hai nước đã trở thành những đối tác hợp tác chiến lược của nhau. Tất cả những điều đó đã tạo nền tảng vững chắc và thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc phát triển nhanh chóng.

Trong những năm qua, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và công tác hỗ trợ cộng đồng được chúng tôi chú trọng và phát huy đúng với thế mạnh của cộng đồng khi đa số các thành viên có tuổi đời khá trẻ, nhiệt tình, sôi nổi và năng động. Một số các hoạt động nổi bật có thể kể đến:

+ Tham gia các Lễ hội văn hoá Quốc tế, Lễ hội văn hóa du lịch và Tuần văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp và mến khách.

+ Tổ chức và phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các chương trình hỗ trợ các gia đình đa văn hoá Việt – Hàn như dạy tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc cho phụ nữ Việt Nam di trú kết hôn, tiến hành các lớp dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho con em các gia đình đa văn hóa Việt-Hàn.

+ Thông dịch tư vấn qua điện thoại, hỗ trợ phiên dịch miễn phí cho cộng đồng trong các trường hợp cần thiết. Tham gia tình nguyện hỗ trợ tại Cục quản lý xuất nhập cảnh, giúp đỡ các cơ quan, tổ chức sở tại trong việc liên kết, tổ chức sự kiện hoặc bàn bạc về các chính sách liên quan đến cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.

+ Phối hợp và tổ chức các ngày hội thể dục thể thao cho người lao động, sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc.

+ Định kỳ tổ chức hàng năm Lễ hội văn hóa truyền thống Việt Nam tại Hàn Quốc. Có thể nói Lễ hội là chương trình hoạt động lớn nhất trong năm mà Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đứng ra chủ trì tổ chức, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cùng chính quyền, các cơ quan chức năng, công ty của Việt Nam và Hàn Quốc. Qua 4 năm liên tiếp tổ chức, Lễ hội đã giới thiệu những nét tốt đẹp về bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng mối đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, tạo tiếng vang mạnh mẽ trong xã hội Hàn Quốc.

+ Cộng đồng cũng phát động phong trào “Tương thân tương ái” để động viên và giúp đỡ cho các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn, các trường hợp lao động và du học sinh gặp khó khăn; hoạt động hướng về cội nguồn như phát động ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, ủng hộ chương trình “Góp đá xây dựng Trường Sa”...

+ Đại diện cộng đồng đã tham dự các hoạt động hướng về Tổ quốc, tiêu biểu là các chương trình do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức như: Xuân Quê hương, Giỗ Tổ Hùng Vương, Trại hè cho thanh thiếu niên kiều bào, Hội nghị NVNONN, Hội nghị phụ nữ VNONN, chương trình đi thăm Trường Sa...



Quỹ học bổng Hoban - Hàn Quốc ký thỏa thuận tài trợ cho hoạt động của
Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc trong một năm (từ 06/2014 đến 05/2015)




 Người Việt tại Hàn Quốc biểu tỉnh trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam


Để thực hiện tốt các chương trình và hoạt động trên, Hội đã nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, cũng như các cơ quan tổ chức của nước sở tại. Đối với công tác hỗ trợ kiều bào thì trong thời gian vừa qua, việc trao đổi thông tin giữa Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc với cộng đồng ngày càng được tăng cường chặt chẽ hơn, do vậy những ý kiến của kiều bào tại Hàn Quốc đã được chuyển về các cơ quan chức năng trong nước để phối hợp và xử lý. Bên cạnh đó, Chính phủ trong thời gian qua đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con. Nhiều văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho kiều bào trong các lĩnh vực quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú, mua nhà ở, đất ở… đã được xây dựng và ban hành. Kiều bào cũng đã được tham gia góp ý vào các văn bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng như tham gia vào các tổ chức, các cơ quan ở trong nước. Công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, cá nhân VNNONN, trong đó có cộng đồng tại Hàn Quốc được quan tâm hơn trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nói trên, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng còn phải đương đầu với những thách thức không nhỏ, mà trước hết là từ chính cộng đồng. Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc là cộng đồng trẻ với thành phần đa dạng, trình độ nhận thức không đồng đều…do đó, để tập hợp được số lượng lớn các thành viên cộng đồng trong cùng thời điểm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, cho đến nay chưa có nguồn kinh phí cố định nào cho tổ chức Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, việc tổ chức các hoạt động của Hội vẫn thông qua hình thức xã hội hóa bằng cách vận động tài trợ từ các công ty và tổ chức của Hàn Quốc. Đội ngũ cán bộ Hội tuy làm việc nhiệt tình, sáng tạo nhưng không chuyên trách do bận mưu sinh, học tập… và còn thiếu kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động.

Thời gian qua, nhiều chương trình, sự kiện về văn hóa, văn nghệ, thể thao… được tổ chức rất thành công tại Hàn Quốc, tạo được tiếng vang lớn với cộng đồng người Việt và cộng đồng quốc tế tại nước sở tại nhưng nếu nhận được sự hỗ trợ tương xứng từ các tổ chức, đơn vị trong nước thì chắc rằng các hoạt động này còn đem lại hiệu quả cao hơn nữa.



 Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2014


Một số kiến nghị

Ủy ban nhà nước về NVNONN sẽ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập vào ngày 23/11/2014. Trong suốt chặng đường vừa qua, hoạt động của Ủy ban luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới, trong đó có cộng đồng kiều bào tại Hàn Quốc. Là người gắn bó với công tác cộng đồng và đã có nhiều dịp về làm việc, tham gia các hoạt động dành cho kiều bào của Ủy ban, tôi rất xúc động trước sự tận tình của các cán bộ Ủy ban. Nhân dịp này, chúng tôi xin chúc Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, kế tục và phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục là “cầu nối” gắn bó mật thiết của cộng đồng NVNONN với Tổ quốc, với quê hương; là địa chỉ tin cậy, là “ngôi nhà chung” của bà con, đáp ứng được nguyện vọng, tâm tư, mong mỏi của kiều bào. Nhân dịp này, chúng tôi xin đề xuất và kiến nghị với Ủy ban một số vấn đề như sau:

- Thứ nhất, Ủy ban thường xuyên là đầu mối tổ chức các hoạt động kể cả hình thức giao lưu trực tuyến với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ để cộng đồng kiều bào ở nước ngoài đóng góp ý kiến xây dựng đất nước; mặt khác chủ trì và tăng cường sự trao đổi giữa các cơ quan ở trong nước với các hội đoàn ở ngoài nước. Xây dựng thêm nhiều chương trình hoạt động thiết thực và bổ ích dành riêng cho cộng đồng NVNONN.

- Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về công tác hội đoàn và phong trào cộng đồng NVNONN; tăng cường giới thiệu các gương điển hình người Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài có thành tích trong học tập, nghiên cứu, lao động, hoạt động xây dựng cộng đồng tại nước sở tại và hướng về Tổ quốc... nhằm góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tạo không khí thi đua học tập, lao động rộng khắp trong cộng đồng NVNONN. Có thêm các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời của Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức hội đoàn trong nước cho các tổ chức hội đoàn ở ngoài nước có thành tích xuất sắc.

- Thứ ba, tích cực hướng dẫn về tổ chức bộ máy, cán bộ và hoạt động của tổ chức hội đoàn ở nước ngoài sao cho phù hợp với đặc thù tại từng nước sở tại. Về xây dựng lực lượng nòng cốt của hội đoàn trong các tổ chức cộng đồng NVNONN, nên phát huy vai trò của những người từng là cán bộ hội đoàn trong nước; mặt khác, thúc đẩy, hỗ trợ cho các tấm gương tiêu biểu, năng động nhiệt tình của cộng đồng người Việt tại nước sở tại làm nòng cốt trong các hoạt động.

- Thứ tư, có nhiều chương trình hành động cụ thể để tập hợp được đội ngũ kiều bào và trí thức ở ngoài nước cùng tham gia đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tận dụng tối đa nguồn chất xám có được từ đội ngũ trí thức được đào tạo bài bản ở nước ngoài, sử dụng có chọn lọc, đi đôi với giao trách nhiệm, giao quyền và trao niềm tin vào họ.

- Thứ năm, tăng cường giao lưu văn hóa, hỗ trợ các chương trình dạy, học tiếng Việt và văn hóa Việt cho các trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba con em kiều bào.

Có thể khẳng định rằng, sinh sống trên đất khách quê người thì hội nhập vào xã hội sở tại để phục vụ cho sinh sống, học tập, làm việc là nhu cầu cần thiết, và rõ ràng việc giữ gìn bản sắc riêng là hết sức khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể làm được. Bản sắc văn hóa dân tộc chính là cội rễ, “rễ đâm sâu thì cây càng vững”, còn nếu “rễ” cạn dần và ít đi thì dĩ nhiên sẽ dễ dàng bị cuốn phăng bởi “cơn lốc” của các nền văn hóa khác. Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đã và đang tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, “hòa nhập chứ không hòa tan”, và sẽ nỗ lực cố gắng trong việc đoàn kết, tập hợp các khối trong cộng đồng, góp phần tích cực vào sự phát triển ngày càng lớn mạnh của cộng đồng, từ đó góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.

Trần Hải Linh
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm