A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Phát huy đồng bộ, toàn diện nguồn lực cộng đồng NVNONN

Năm 2017, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã chủ động, tích cực thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới và Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX giai đoạn 2016-2020 – giai đoạn đất nước đứng trước nhiệm vụ mới mà Đại hội Đảng XII đặt ra.

Công tác đối với NVNONN tiếp tục được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao quan tâm, thường xuyên đề cập trong chỉ đạo công tác cũng như các hoạt động tiếp xúc đối ngoại. Sự gắn bó, mối quan tâm của kiều bào với đất nước cũng tiếp tục gia tăng, không chỉ vì lợi ích kiều bào mà còn gắn chặt với lợi ích, sự phát triển của đất nước. Đây là thuận lợi lớn, nhưng cũng là sức ép không nhỏ đối với Uỷ ban phải nỗ lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Trước thềm Năm mới 2018, ông Vũ Hồng Nam – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban đã chia sẻ với Tạp chí Quê Hương về những đánh giá và nhận định đối với công tác về NVNONN trong năm qua và phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Tạp chí Quê Hương xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết về kết quả công tác vận động NVNONN mà Ủy ban đã thực hiện trong năm 2017?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2017 được coi là năm ghi dấu ấn của Việt Nam về đối ngoại với việc tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam và Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang biến đổi nhanh chóng. Liên quan đến năm APEC và công tác của chúng tôi là, lần đầu tiên Ủy ban kết hợp với các cơ quan liên quan tập hợp và hướng dẫn đoàn phóng viên của các kênh tiếng Việt ở nước ngoài về Việt Nam tác nghiệp tại sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng và sau đó một số phóng viên tiếp tục ra tác nghiệp tại Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau Tuần lễ cấp cao APEC. Đoàn phóng viên kiều bào đã có nhiều tin, bài, hình ảnh về các sự kiện quan trọng của Tuần lễ cấp cao và các sự kiện liên quan, góp phần tích cực cùng báo chí quốc tế và trong nước đưa những thông tin khách quan, toàn diện, nhanh nhạy về sự kiện APEC tổ chức rất thành công tại Việt Nam.

Đóng góp vào những thành tựu chung của đối ngoại Việt Nam, công tác vận động NVNONN được triển khai toàn diện, thu được kết quả tích cực. Với sự hỗ trợ của Ủy ban và các cơ quan đại điện, các tổ chức hội đoàn kiều bào tiếp tục được củng cố, mở rộng. Năm 2017 có gần 20 hội, đoàn tổ chức đại hội, có 10 hội được thành lập mới, kể cả ở Mozambique cũng đã thành lập được hội. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng tăng lên, nhất là tại một số địa bàn tồn tại vấn đề mâu thuẫn nội bộ thì năm vừa qua đã được cơ bản giải quyết, lớp trẻ, doanh nhân bắt đầu tham gia vào bộ máy lãnh đạo hội đoàn, tạo niềm tin, phấn khởi trong cộng đồng. Ủy ban chú trọng thúc đẩy công tác hội đoàn tại các địa bàn truyền thống (Lào, Campuchia, Thái Lan, Đông Âu, Pháp), các địa bàn mới (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản). Công tác đại đoàn kết dân tộc, vận động các nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng (Mỹ, Úc, Canada) cũng được triển khai hiệu quả.

Trong bối cảnh các chính sách mới về di trú của các quốc gia và vùng lãnh thổ có những thay đổi, ảnh hưởng lớn đến địa vị pháp lý, việc đi lại của kiều bào ta ở nhiều nước… gây cho bà con tâm lý hoang mang, Ủy ban đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan nắm sát tình hình, báo cáo kịp thời và tham mưu lên lãnh đạo Bộ Ngoại giao và lãnh đạo cấp cao để kịp thời triển khai các giải pháp, góp phần tạo sự an tâm, bình ổn trong cộng đồng, để bà con yên tâm sinh sống, học tập và làm việc.

Đảng và Nhà nước rất coi trọng và có chính sách cụ thể nhằm thu hút, phát huy nguồn lực trí tuệ, kêu gọi lòng yêu nước hướng về quê hương và khuyến khích vật chất, tinh thần đối với trí thức, doanh nhân kiều bào. Thời gian gần đây, nhiều hoạt động của các trí thức, doanh nhân kiều bào đánh dấu quá trình hợp tác sôi nổi với mật độ liên tục, nhộn nhịp diễn ra trên khắp các lĩnh vực giữa trí thức kiều bào với trong nước. Kiều bào tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động do Ủy ban và do các nhóm trí thức, doanh nhân kiều bào tổ chức. Năm 2017, số lượng trí thức kiều bào về nước khoảng 300 lượt, tăng so với các năm trước. Ủy ban đã phối hợp với Ủy ban TP. HCM thúc đẩy một số dự án của kiều bào trong nhiều lĩnh vực mới như hệ sinh thái dữ liệu mở - AVSE, Đồng hồ nước thông minh – TS Nguyễn Thanh Mỹ, Đại học Kinh tế đẳng cấp quốc tế - GS Lê Văn Cường, Hội nghị thường niên các nhà kinh tế học 2017... Đặc biệt, Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Mỹ và Việt Nam đã được tổ chức thành công tại Mỹ, tạo kết quả quan trọng kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Mỹ; Diễn đàn sẽ được tổ chức tại TP.HCM trong thời gian tới. Tại các hoạt động trên, nhiều trí thức, doanh nhân kiều bào đã tham gia và có những đóng góp rất tâm huyết, đa dạng, từ các vấn đề kinh tế - xã hội, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cao đến phát triển giáo dục đào tạo, y tế, môi trường…

Đáng chú ý, trí thức doanh nhân kiều bào không chỉ đứng ngoài quan sát, đánh giá, nêu ý kiến và hỗ trợ mà đã trực tiếp tham gia, trực tiếp hành động và trở thành một bộ phận đóng góp hiệu quả cho các quá trình hợp tác, cùng đồng hành trực tiếp với Chính phủ nhằm mục tiêu xây dựng “Chính phủ kiến tạo” phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất. Các mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt kiều như: nhóm Sáng kiến Việt Nam (kiều bào tại Mỹ), nhóm AVSE (kiều bào tại Pháp)… đã được Chính phủ mời về nước tham vấn, cho ý kiến về “xây dựng Chính phủ thông minh”, “tạo lập hệ thống chấm điểm hành chính quốc gia”… Ngày 28/7/2017, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã được thành lập, trong đó 4 thành viên là chuyên gia, trí thức kiều bào.

Về kinh tế, đầu tư, kiều hối năm 2017 đạt 9,5 tỷ USD, cao hơn năm 2016. Đến nay đã có 51/63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của NVNONN với hơn 3.600 doanh nghiệp kiều bào có số vốn đóng góp là 8,6 tỷ USD, phần lớn từ các nước như Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Hà Lan, Séc... Đầu tư của kiều bào tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản... Các dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước.

Để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho kiều bào, Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh triển khai công tác nghiên cứu, tham mưu, xây dựng các chính sách liên quan đến NVNONN, trọng tâm là chính sách quốc tịch, chính sách khen thưởng đối với NVNONN có công và chính sách tôn giáo.

Ủy ban cũng đóng góp tích cực vào khâu chuẩn bị nội dung liên quan đến cộng đồng phục vụ đoàn lãnh đạo các cấp đi thăm các nước như đoàn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Campuchia (tháng 7/2017); đoàn Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức Belarus và Nga (tháng 6/2017); đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Singapore và Australia (tháng 11/2017); đoàn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi Mỹ (tháng 5/2017), thăm và làm việc tại Đức và Hà Lan nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G20 (tháng 7/2017) và thăm Thái Lan (tháng 8/2017)...

Ủy ban đã chủ động tổ chức nhiều đoàn đi làm công tác cộng đồng, tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của bà con tại các địa bàn quan trọng như Lào, Campuchia, Thái Lan, châu Âu, châu Phi, từ đó kiến nghị chính sách hỗ trợ bà con.

Các hoạt động vận động cộng đồng hướng về quê hương được Ủy ban tổ chức rất thành công, trong đó có đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa, Trại hè Việt Nam, Xuân Quê hương, đoàn cựu giáo viên kiều bào, đoàn học sinh kiều bào tại Lào về thăm Việt Nam...

Phong trào giữ gìn văn hóa – tiếng Việt trong cộng đồng nở rộ, được triển khai thành nề nếp, đạt kết quả tích cực ở nhiều quốc gia, khu vực, kể cả những nơi có đông cộng đồng và nơi có ít cộng đồng. Đây cũng là một trọng tâm công tác của Ủy ban năm 2017 và những năm tiếp theo. Đến nay, Ủy ban đã cung cấp 60.000 bộ sách tiếng Việt cho các cơ sở giáo dục, tổ chức tập huấn cho hơn 200 giáo viên kiều bào về nghiệp vụ sư phạm, tổ chức liên tục 14 Trại hè Việt Nam cho thanh niên, học sinh kiều bào.

Công tác thông tin truyền thông tới NVNONN tiếp tục được chú trọng và thúc đẩy. Nhân đây, Ủy ban xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các cơ quan truyền thông báo chí trong và ngoài nước, cũng như báo chí kiều bào đã đồng hành cùng Ủy ban trong công tác thông tin truyền thông về lĩnh vực công tác quan trọng này trong suốt một năm qua.

PV: Vậy theo ông, những yếu tố nào đã tác động đến hiệu quả công tác kiều bào thời gian qua?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Trong thời gian qua, tình hình NVNONN tương đối ổn định. Tại nhiều địa bàn như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…, cộng đồng đã được chính quyền các nước tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập.

Công tác đối với NVNONN tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo toàn diện. Các bộ, ban, ngành đã có sự phối hợp ngày càng đồng bộ, nhịp nhàng trong việc triển khai các chính sách liên quan đến NVNONN. Sự gắn bó, mối quan tâm của bà con kiều bào với đất nước tiếp tục gia tăng và gắn chặt với lợi ích, sự phát triển của đất nước.

Nhận thức về công tác NVNONN của các cơ quan trung ương, địa phương có sự thống nhất và được nâng cao hơn một bước, nhất là trong công tác hỗ trợ kiều bào hội nhập vào sở tại, bảo đảm quyền lợi chính đáng và đáp ứng nhu cầu của bà con khi về nước.

Phong trào giữ gìn văn hóa – tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN phát triển mạnh, được triển khai thành nề nếp, đạt kết quả tốt ở nhiều quốc gia, khu vực, kể cả những nơi có đông cộng đồng và nơi có ít cộng đồng.

Kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn năm 2016, các nước phát triển và nhiều nền kinh tế chủ chốt đều khởi sắc, công việc làm ăn của bà con ta ở nước ngoài theo đó cũng tốt hơn. Kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, tình hình chính trị - xã hội trong nước cũng như tại khu vực luôn ổn định, những cải cách mới trong chính sách thu hút vốn và nhân lực đã tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt kiều đầu tư về nước.

PV: Trong điều kiện hiện nay, để thực hiện tốt công tác về NVNONN theo ông cần những yếu tố gì?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Thứ nhất, công tác đối với NVNONN cần được quán triệt đầy đủ để mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước của mọi người Việt Nam, lấy mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ làm điểm tương đồng.

Thứ hai, cần có tính đồng bộ, có sự phối chặt chẽ của các cơ quan trong nước trong việc tham mưu, xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến NVONN.

Thứ ba là vấn đề về nhận thức. Thành công trong công tác vừa qua là kết quả của những đợt truyền thông rộng rãi, giải thích rất cụ thể về chính sách đối với bà con kiều bào. Trong quá trình thực hiện công tác, Ủy ban nhận thấy nhận thức giữa trung ương với địa phương, giữa ngành này với ngành khác hay trong nhân dân vẫn còn khác nhau. Do vậy, chúng ta cần tăng cường hơn nữa nhận thức của các cơ quan, của mọi người dân về công tác NVNONN.

Thứ tư là cần nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để đây thực sự là địa chỉ tin cậy của bà con, là cầu nối, là tổ ấm của người Việt ở nơi đất khách quê người.

Cuối cùng, Ủy ban cần tiếp tục nắm tình hình đời sống của bà con và tham mưu, kiến nghị các nội dung trong các cuộc tiếp xúc song phương, tại các diễn đàn về di trú… cho lãnh đạo cấp cao để trao đổi với chính quyền nước ngoài tạo điều kiện cho bà con ổn định sinh sống, đóng góp cho sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và thế giới.

PV: Công tác kiều bào năm 2018 sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2018 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2016-2020, là một bộ phận không tách rời của dân tộc, cộng đồng NVNONN có quyền tham gia và đóng góp vào đời sống và sự phát triển của đất nước. Đồng hành với nhiệm vụ của Đảng và nhân dân trong nước, công tác đối với NVNONN sẽ được triển khai toàn diện và đi vào thực chất, cụ thể.

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy định, pháp luật liên quan đến NVNONN. Trong đó, một trong những trọng tâm là việc tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách về quốc tịch, cho phép NVNONN trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài. Tiếp tục tổ chức các chương trình, sự kiện trong nước như Xuân Quê hương, Trại hè Việt Nam, các hội nghị, hội thảo… để tăng cường sự gắn kết giữa kiều bào và đất nước, thu hút nguồn lực trí thức và vốn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, hỗ trợ NVNONN ổn định địa vị pháp lý, hội nhập vào xã hội sở tại. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ cộng đồng người Việt tại các khu vực có nhiều khó khăn, ở các nước láng giềng… trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, đặc biệt là sự thắt chặt quản lý di trú của các quốc gia có đông kiều bào ta sinh sống.

Ba là, đưa công tác thông tin truyền thông, giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng mở rộng hơn về phạm vi và ngày càng đi vào chiều sâu. Tiếp tục hỗ trợ cộng đồng các ấn phẩm văn hóa, tài liệu giảng dạy tiếng Việt. Ngoài ra, tìm các phương thức phù hợp, hiệu quả để đào tạo nguồn giáo viên tiếng Việt cho các địa bàn, trong đó áp dụng các phương thức đào tạo như giáo dục qua mạng, tập huấn giáo viên tại chỗ cho từng địa bàn.

Bốn là, tiếp tục thực hiện Nghị định số 87/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Hỗ trợ, kết nối doanh nhân, trí thức NVNONN tham gia đóng góp cho các dự án phát triển trong nước, chuyển giao công nghệ và giải quyết các vấn đề của các thành phố lớn như ùn tắc giao thông, triều cường… Đặc biệt, Ủy ban cũng bắt đầu tổ chức những chương trình, hoạt động kết nối kiều bào trẻ nhằm thúc đẩy hơn nữa sự đóng góp của kiều bào thế hệ thứ 2, thứ 3 cho sự phát triển ở quê hương.

Mặc dù kinh tế thế giới phục hồi chưa đồng đều, đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn; kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng kiều bào ta ở nước ngoài vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên để cuộc sống ổn định hơn, đồng thời có nhiều hoạt động tích cực hướng về cội nguồn, đóng góp cho đất nước. Cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định cụ thể của Chính phủ ngày càng rộng mở dành cho NVNONN, sự đồng lòng của toàn bộ khối đại đoàn kết, mong rằng, trong thời gian tới, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy năng lực, với những cống hiến, đóng góp ngày càng chất lượng, thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hướng đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

Quỳnh Hương (thực hiện)


Các tin khác

Tin tiêu điểm