A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Ban hành kèm theo Quyết định số 1912/QĐ ngày 01 tháng 09 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Ngày 26 tháng 3 năm 2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 36 NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Ngày 23 tháng 6 năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 110/2004/QĐ-TTg thông qua Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu trên.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký ban hành Chương trình hành động này nhằm tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ nêu trên.

    NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH           

1) Về công tác triển khai , thông tin, tuyên truyền    

a) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Văn phòng Đảng uỷ Bộ, Văn phòng, Vụ Quản trị tài vụ, Vụ Báo chí, Trung tâm báo chí, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức phổ biến  rộng rãi Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động này.

b) Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài có hình thức thích hợp giới thiệu và phổ biến rộng rãi Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt và thông báo kịp thời dư luận cho các cơ quan liên quan trong nước.

c) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, các Vụ khu vực và chức năng, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động giới thiệu với các tổ chức quốc tế và các nước có người Việt Nam sinh sống về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

2) Về các biện pháp, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại.

a) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát và nắm bắt thông tin về tình hình người Việt Nam ở nước ngoài, kinh nghiệm công tác kiều dân của nước ngoài để có cơ sở kiến nghị các chính sách, biện pháp phù hợp trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; kiến nghị chủ trương, đề xuất nội dung, phương thức vận động chính quyền các nước tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam làm ăn sinh sống.

b) Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế, Cục Lãnh sự, phối hợp với Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các Vụ khu vực và các đơn vị có liên quan chủ động nghiên cứu, đề xuất chủ trương đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương cần thiết, kể cả các hiệp định lãnh sự, hiệp định hỗ trợ tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào hội nhập vào xã hội nước sở tại, bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con khi bị xâm phạm, đấu tranh với các biểu hiện kỳ thị, các hoạt động chống lại người Việt Nam ở nước ngoài.

c) Cục Lãnh sự phối hợp với Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị liên quan rà soát để kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác bảo hộ công dân; nghiên cứu, lập đề án Quỹ bảo hộ công dân báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý II năm 2005.

d) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Cục Lãnh sự, Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế, Vụ Văn hoá - UNESCO và các đơn vị liên quan tham gia chuẩn bị đề án tổng thể về việc biên soạn và phát hành các tài liệu cơ bản về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài; giới thiệu phong tục, tập quán, luật pháp của một số nước có đông người Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động, cơ cấu tổ chức hiện có của cộng đồng người Việt Nam ở một số nước do Bộ Tư pháp chủ trì.

3) Về các biện pháp và chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó hơn nữa với quê hương, đất nước

a) Cục Lãnh sự, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài,  trong quý IV năm 2004, thúc đẩy và phối hợp với các ngành liên quan rà soát lại các văn bản pháp luật, chính sách hiện hành có liên quan tới các quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại, hồi hương của người Việt Nam ở nước ngoài; kiến nghị nội dung bổ sung, sửa đổi hoặc đề xuất xây dựng mới các văn bản pháp quy về những vấn đề này trên tinh thần tạo điều kiện thuận tiện cho người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với xu thế hội nhập, đồng thời bảo đảm an ninh, ổn định chính trị xã hội cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

b) Cục Lãnh sự, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài trong quý IV năm 2004, thúc đẩy và phối hợp với các ngành liên quan rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan nhằm kiến nghị các biện pháp giải quyết cơ bản các vấn đề tồn tại về quốc tịch, thừa kế, hôn nhân gia đình... liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài; đề xuất chủ trương, báo cáo Lãnh đạo cấp cao sớm sửa đổi, đơn giản hoá thủ tục cho thôi quốc tịch cho người Việt Nam ở nước ngoài.

c) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, trong quý IV năm 2004 tổng kết việc thực hiện chính sách một giá dịch vụ, đi lại đối với kiều bào và thân nhân khi về nước trong thời gian qua, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo cấp cao xem xét quyết định.         

d) Cục Lãnh sự và Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan trong việc sửa đổi các quy định tại Nghị định 05-2000/NĐ-CP liên quan đến việc đơn giản hoá thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, nghiên cứu, kiến nghị chủ trương cấp giấy tờ cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước.  

đ) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam, báo cáo Lãnh đạo Bộ trong quý  IV/2004.

4) Về phát huy tiềm năng trí thức của người Việt Nam ở nước ngoài

a) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, kiến nghị các biện pháp  và chính sách ưu đãi thoả đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, có khả năng phát minh, sáng chế, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, trình  Lãnh đạo Bộ xem xét trong quý IV năm 2004.

b) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy việc nghiên cứu, kiến nghị các biện pháp và chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các ngành kinh tế, luật pháp, khoa học – công nghệ, văn hoá - nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, thể dục thể thao chủ động thu hút các nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước, trình Lãnh đạo Bộ trong quý I năm 2005.

c) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Vụ Các tổ chức quốc tế và các đơn vị liên quan thúc đẩy việc nghiên cứu, xây dựng chính sách mời chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài làm việc cho các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương của Việt Nam với nước ngoài hoặc trong các tổ chức quốc tế có chỉ tiêu là người Việt Nam, báo cáo Lãnh đạo Bộ trong quý II năm 2005.

5) Về phát huy tiềm năng của người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, đầu tư, kinh doanh

a) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Vụ Tổng hợp Kinh tế và các đơn vị liên quan thúc đẩy việc đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và các văn bản có liên quan đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với người Việt Nam ở nước ngoài và kiến nghị giải pháp nhằm tiếp tục khuyến khích mọi hình thức đầu tư tại Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài, báo cáo Lãnh đạo Bộ trong quý IV năm 2004.

b) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì phối hợp với Vụ Tổng hợp Kinh tế, Trung tâm Thông tin kinh tế đối ngoại và các đơn vị liên quan thúc đẩy việc nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích và phát huy khả năng của người Việt Nam ở nước ngoài làm tư vấn, môi giới, cầu nối thiết lập các mối quan hệ cho việc mở rộng hợp tác, đầu tư và xúc tiến thương mại với các công ty, các tổ chức và cá nhân bên ngoài, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét trong quý I năm 2005.

c) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, thu hút kiều hối, trình Lãnh đạo Bộ xem xét trong quý IV/ năm 2004.

6) Về công tác thông tin - văn hoá phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

a) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Vụ Thông tin – Báo chí thúc đẩy và phối hợp với các ngành liên quan đánh giá, cải tiến, hoàn thiện, nâng cao chất lượng và nội dung chương trình phát thanh, truyền hình dành cho đồng bào ta ở nước ngoài phù hợp với tâm lý, tình cảm của đồng bào, có biện pháp hiệu quả đưa chương trình đến với đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại các nước; nghiên cứu, đề xuất các loại hình thông tin thích hợp trước mắt và lâu dài nhằm phát triển kênh thông tin tích cực, tiến bộ tại những nước có đông người Việt Nam sinh sống.

b) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy và phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ xuất bản báo, tạp chí, các trang thông tin điện tử dành cho người Việt Nam ở nước ngoài.

c) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài cùng với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, kiến nghị khả năng xuất bản báo viết, báo điện tử ở một số nước có đông người Việt Nam sinh sống; xây dựng thư viện trên mạng internet, báo cáo lãnh đạo Bộ trong quý I năm 2005.  

d) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài  cùng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan  nghiên cứu, xây dựng quy chế khuyến khích các đoàn nghệ thuật, các ca sỹ, nghệ sỹ trong nước tổ chức các chuyến biểu diễn nghệ thuật phục vụ kiều bào; các ca sỹ, nghệ sỹ người Việt Nam ở nước ngoài về biểu diễn ở trong nước; xuất bản, phát hành ở trong nước một số sản phẩm văn hoá, trong đó có việc sản xuất băng đĩa hình và tiếng của các nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài phù hợp các quy định về xuất bản và sản xuất vật phẩm văn hoá.

đ) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các đơn vị liên quan, trong quý IV năm 2004, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách trợ giá đối với cước vận chuyển ấn phẩm văn hoá, giá vé máy bay của các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn phục vụ cộng đồng trong thời gian qua, đề xuất việc đưa các biện pháp hỗ trợ về Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

7) Về việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài

 Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp tham gia Ban Điều hành Đề án Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập trong quý III năm 2004 theo Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 22 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

8) Về hoạt động giao lưu giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước

 a) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các chương trình  giao lưu thể thao, văn hoá, văn học, nghệ thuật, du lịch về nguồn, trại hè nói tiếng Việt cho thế hệ trẻ Việt Nam trong và ngoài nước.

 b) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Cục Lãnh sự thúc đẩy và phối hợp với các ngành liên quan giải quyết các thủ tục cần thiết để người Việt Nam ở nước ngoài được về nước tham gia các hoạt động thể dục, thể thao trong nước. Cục Lãnh sự nhanh chóng giải quyết các thủ tục cần thiết trong việc nhập quốc tịch Việt Nam đối với vận động viên là người gốc Việt Nam ở nước ngoài có thành tích xuất sắc và có nguyện vọng tham gia đoàn thể thao Việt Nam tham dự các kỳ đại hội và giải vô địch thể thao khu vực và thế giới.

9) Về chính sách khen thưởng người Việt Nam ở nước ngoài

a) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài cùng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các vụ khu vực và các đơn vị liên quan thúc đẩy và phối hợp với các ngành liên quan tổng kết, đánh giá công tác khen thưởng kiều bào trong thời gian qua, hoàn chỉnh các chính sách khen thưởng đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới; phổ biến, hướng dẫn và tuyên truyền các quy định hiện hành về công tác thi đua khen thưởng của Nhà nước ta cho các tổ chức và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài nhằm góp phần tích cực vào công cuộc vận động người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp sức người, sức của xây dựng đất nước; phát hiện, giới thiệu những tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều công sức đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam  để có hình thức khen thưởng xứng đáng.

b) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có hình thức thích hợp khen thưởng các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đã có thành tích ủng hộ, bảo vệ và giúp đỡ người Việt Nam ở nước ngoài.

10) Về đổi mới phương thức vận động người Việt Nam ở nước ngoài

a) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề ra các phương thức vận động mới, động viên, khuyến khích mọi hình thức tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt chú trọng đến hoạt động của các thế hệ trẻ, trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán nước sở tại. Hỗ trợ các dự án của người Việt Nam ở nước ngoài có mục tiêu trên.  

b) Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường tiếp xúc, vận động, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người Việt Nam ở nước ngoài, đẩy mạnh công tác bảo hộ công dân và bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài. 

c) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền vận động kiều bào hưởng ứng và tham gia phong trào, các cuộc vận động mang tính toàn dân. Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài tiến hành tổng kết công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm  phát huy vai trò và phát triển tổ chức Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các hình thức tập hợp khác theo hướng xã hội hoá công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài.

d) Vụ Quản trị - Tài vụ phối hợp với Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, trong quý III năm 2004, lập dự toán ngân sách cho Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài để đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

 11) Về kiện toàn tổ chức

 a) Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu, đề xuất chủ trương, biện pháp nhằm kiện toàn Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường biên chế chuyên trách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tại Cơ quan đại diện ngoại giao ở những nước có đông người Việt Nam sinh sống, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 b) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm giúp các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương có quan hệ nhiều với người Việt Nam ở nước ngoài trong việc thành lập bộ phận giúp cơ quan lãnh đạo trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

 c) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức lấy ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài về việc thực hiện Nghị quyết 36 –NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này.

Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị trong Bộ và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài căn cứ vào Chương trình hành động này và xuất phát từ tình hình thực tế của từng đơn vị tổ chức ngay việc thực hiện Nghị quyết 36 –NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Chương trình hành động của Chính phủ. Định kỳ một năm một lần, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì tổ chức họp với các đơn vị trong Bộ để kiểm điểm, đánh giá việc triển khai, thực hiện Chương trình hành động này của Bộ Ngoại giao.

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm