A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh thiếu niên kiều bào đến với đất võ Bình Định

Sáng ngày 20/7, Đoàn đại biểu kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2012 đã đến tỉnh Bình Định, tiếp tục hành trình khám phá những địa danh mới với những hoạt động thú vị, bổ ích.

Tại huyện Tây Sơn, Đoàn đã làm lễ dâng hương tại Đền thờ Quang Trung, tưởng nhớ đến người anh hùng áo vải kiệt xuất của thời đại Tây Sơn và tham quan Bảo tàng Quang Trung. Với 11.057 tư liệu, hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế về Nhà Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung được coi đang sở hữu một kho tư liệu, hiện vật giàu có, phong phú nhất về một thời đại lừng lẫy của vị vua kiệt xuất nhất, được yêu mến nhất trong lịch sử dân tộc.

Đoàn dâng hương tại Đền thờ vua Quang Trung 

Ngoài ra, tại đây, thanh thiếu niên kiều bào còn được thưởng thức một chương trình biểu diễn võ thuật hết sức độc đáo, làm nên biểu tượng của một vùng đất võ Bình Định.

Ngày 6/1/1985, đồng chí Trường Chinh - nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam - khi đến thăm Bảo tàng Quang Trung tại Bình Định đã sáng tác vần thơ ca ngợi về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn:

Hào khí Tây Sơn tỏa núi sông

Anh hùng áo vải phất cờ hồng

Cứu dân, giữ nước yên bờ cõi

Sự nghiệp muôn năm tạc chữ đồng

Con cháu ngày nay rất tự hào

Phát huy truyền thống chí càng cao

Nước non hùng vĩ hoa thơm ngát

Bão táp qua rồi đẹp biết bao.

Em Nguyễn Nam Phương, trở về từ Hoa Kỳ rất chăm chú khi xem tiết mục biểu diễn võ thuật do những võ sư biểu diễn, trên tay luôn cầm sẵn chiếc máy ảnh để có thể kịp thời ghi lại những động tác, những thế võ đẹp mắt. Em cho biết: “Dù đã về Việt Nam được vài lần, cũng đã đi thăm một số tỉnh thành nhưng đây là lần đầu tiên, em được đặt chân tới mảnh đất Bình Định này. Được tìm hiểu và khám phá về Bình Định, em mới biết nơi đây còn lưu giữ lại rất nhiều những nét đẹp văn hóa cổ truyền như: nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi, đặc biệt là điệu múa trống kết hợp với võ thuật Tây Sơn… Nếu còn cơ hội, em nhất định sẽ quay lại mảnh đất này để có thể tìm hiểu chuyên sâu hơn về những nét văn hóa độc đáo tại đây”.

Rời huyện Tây Sơn, các bạn trẻ kiều bào tiếp tục tham quan và khám phá vẻ đẹp của Tháp đôi Quy Nhơn, một di tích văn hóa Chăm độc đáo tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Chụp ảnh kỷ niệm tại Tháp đôi Quy Nhơn 

Ngay khi vừa đến nơi, các bạn trẻ đã tỏa ra các hướng để chụp được những bức ảnh đẹp về Tháp đôi Quy Nhơn. Em Phó Đức Dương từ Trung Quốc chia sẻ: “Được các anh chị hướng dẫn viên giới thiệu về Tháp đôi này, em không khỏi bất ngờ khi biết công trình kiến trúc này đã được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, nghĩa là đã tồn tại từ rất lâu. Thật không ngờ với trình độ kỹ thuật thời đó mà có thể làm nên công trình kiến trúc hết sức độc đáo, đặc biệt như vậy. Ngày hôm nay, với hành trình đến tỉnh Bình Định đã giúp em có thêm hiểu biết về lịch sử và văn hóa ở Bình Định nói riêng cũng như cả nước nói chung. Mong rằng trong những ngày tới, chúng em sẽ tiếp tục được khám phá thêm những địa danh mới, để “làm giàu” vốn văn hóa Việt Nam của mình hơn”.

Chiều cùng ngày, các bạn trẻ được tắm biển và tham gia những trò chơi tập thể tại khu vực khách sạn, khép lại một ngày hoạt động đầy thú vị.

Điểm dừng chân tiếp theo của Đoàn là thành phố Đà Lạt thơ mộng.

Tỉnh Bình Định thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, Phía Đông giáp biển Đông. Bình Định được coi như cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên. Bình Định có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn rất phong phú để phát triển du lịch, có bờ biển dài với nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, Bình Định còn là cái nôi của nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi, của điệu múa trống trận Quang Trung và môn phái võ Tây Sơn.

Tháp Đôi Quy Nhơn tọa lạc tại làng Hưng Thạnh xưa, bây giờ thuộc phường Đống Đa, cách trung tâm thành phố chừng 3 km về phía Tây Bắc. Tháp Đôi cũng như các tháp Chàm khác ở Bình Định, là một di tích văn hóa nghệ thuật mang màu sắc tôn giáo của người Chăm xa xưa. Các tháp có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Tháp cấu trúc khá độc đáo, đặc biệt là kỹ thuật mài dũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau rất vững chắc.

Tháp Đôi một lớn một nhỏ đứng gần kề nhau như cặp vợ chồng quấn quít. Tháp đã bị chiến tranh và thời gian tàn phá khá nặng nề. Từ 1991-1997, tháp được trùng tu, trả lại gần như dáng vẻ ban đầu của tháp. Ngày nay, Tháp Đôi Quy Nhơn trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Bình Định.

Một số hình ảnh của Đoàn tại tỉnh Bình Định:

 Thủy Trần


Các tin khác

Tin tiêu điểm