A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảm xúc Trại hè: Chuyến trở về không thể quên (*)

... Hành trình của Trại hè đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm không thể quên. Chuyến đi đã ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và nhận thức của tôi về quê hương mình...

Quê hương là gì hả mẹ?

Sinh ra và lớn lên tại Ba Lan – một đất nước còn khá xa lạ với những người di cư từ nước ngoài - nên không ngạc nhiên khi tôi, từ học mẫu giáo cho đến tiểu học, luôn là hai hoặc ba học sinh nước ngoài duy nhất trong trường. Đôi mắt đen và màu da vàng của tôi luôn gây được sự chú ý từ những bạn mắt xanh, da trắng Ba Lan.

 

Hà Mi cùng các bạn trong đoàn Trại hè Việt Nam 2012 
thăm quan Bảo tàng Quang Trung (Bình Định)

Khi còn nhỏ, những lúc đi xem xiếc hay chơi đùa ở công viên, những ánh mắt xa lạ, khó hiểu của những bạn cùng lứa khiến tôi đánh mất dần sự tự tin vào vóc dáng của mình. Biết chuyện, bố mẹ thường kể những câu chuyện cổ tích và dân gian Việt Nam hoặc những trải nghiệm của bố mẹ khi còn nhỏ, phải đi sơ tán và đeo chiếc túi cấp cứu tới lớp học trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Bằng những câu chuyện này, bố mẹ mong rằng bản sắc văn hóa phương Đông và niềm tự hào về cội nguồn sẽ thấm sâu trong nhận thức và tư tưởng của tôi, đem lại cho tôi niềm tự hào về dân tộc con cháu Rồng Tiên, an ủi tôi trong những lúc thấy cô đơn khi sống trên đất nước vốn còn rất thuần chủng này. Từ đó, tôi bắt đầu đọc sách, tài liệu và tìm hiểu nhiều hơn về đất nước Việt Nam, về nguồn cội của mình. Dần dần, những hình ảnh thiếu thiện cảm về quê hương với giao thông lộn xộn, khói bụi và ô nhiễm mất đi trong tôi, thay vào đó, là hình ảnh một dân tộc với truyền thống yêu nước, bất khuất đã anh dũng chiến đấu chống lại bao kẻ thù xâm lược để giành lấy độc lập, tự do cho mình.

Mới chỉ biết về quê hương mình qua sách vở, tài liệu và những câu chuyện của bố mẹ, trong lòng tôi rất mong muốn sẽ có cơ hội được tự mình trải nghiệm và tìm hiểu về đất nước Việt Nam. Thông qua những thông tin mà Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cung cấp, được biết Trại hè Việt Nam là một hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức để đưa những thanh thiếu niên kiều bào về thăm lại quê hương, thông qua một hành trình dài suốt ba miền Bắc – Trung – Nam của đất nước, tôi đã quyết định tham dự Trại hè Việt Nam 2012 và đặt nhiều hy vọng về chuyến hành trình này.

Hành trình thú vị và nhiều ý nghĩa

Và quả thật, chuyến hành trình của Trại hè đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm không thể quên. Chuyến đi đã ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và nhận thức của tôi về quê hương mình. Trại hè Việt Nam tạo cơ hội cho chúng tôi được trở về đi khắp cả ba miền đất nước, giúp trực tiếp cảm nhận tình đồng hương đầy ý nghĩa, cho chúng tôi có dịp được tìm hiểu về những lễ nghi văn hóa truyền thống xưa, giúp chúng tôi có cái nhìn tổng quát về Việt Nam. Trại hè đã cho tôi cơ hội được tham quan những di tích lịch sử ở khắp mọi miền, từ Bắc tới Nam. Và quan trọng nhất, chuyến hành trình đầy ý nghĩa này đã gắn kết những người Việt trẻ đang sinh sống, học tập tại những quốc gia khác nhau đoàn kết hơn, gắn bó hơn và yêu thương quê hương mình hơn.

Chúng tôi đã đến thăm rất nhiều danh lam thắng cảnh của Việt Nam, mà Khu di lịch sinh thái Tràng An là nơi để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi. Những núi đá, con suối và đền thờ tại đây hòa quyện với nhau, tạo nên vẻ đẹp như tranh vẽ vậy. Được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hút hồn này, tôi mới nhận ra rằng tuy đất nước mình còn nghèo và đi sau rất nhiều quốc gia khác về kinh tế nhưng Việt Nam giàu có bởi những “kho báu thiên nhiên” cảnh sắc hữu tình, hấp dẫn với bất kỳ ai đã từng đặt chân tới.

Xuôi theo hành trình, chúng tôi được đến thăm một di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận, đó là Cố đô Huế. Tại đây, chúng tôi được thăm kinh thành Huế, được nghe và tìm hiểu về lịch sử triều đại nhà Nguyễn. Đặc biệt, chúng tôi còn được giao lưu với hơn 600 thanh niên, sinh viên tại Huế, cảm nhận được sự khác biệt giữa tiếng miền Bắc và miền Trung. Còn nhớ, các bạn trong đoàn đã rất thích thú khi nghe câu “Chi mô rứa” của người dân địa phương nơi đây, thấy mình như đang được tìm hiểu một ngôn ngữ mới vậy. Thông qua những cuộc giao lưu như vậy, chúng tôi được dịp bàn luận với nhau về những nét khác biệt của từng vùng, miền, nhận ra sự đa dạng, phong phú trong ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Tôi hiểu rằng, những người Việt trẻ như chúng tôi không chỉ cần học và biết tiếng Việt, mà còn cần tìm hiểu về văn hóa từng vùng, miền của Việt Nam để hiểu hơn về đất nước mình.

Từng ngày của cuộc hành trình trôi qua, chúng tôi lại có được nhiều hơn những trải nghiệm mới trên quê hương mình. Viếng mộ 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc và khi thắp nến tại những ngôi mộ liệt sỹ ở nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo, tôi lại nhận ra thêm một nét mới trong tính cách của người Việt mình. Đó là lòng biết ơn đối với những thế hệ đi trước, mà sau này khi nghe kể lại, mẹ tôi nói đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Và bởi vậy, nên dẫu rằng khói hương khiến đôi mắt chúng tôi cay xè, dẫu rằng đứng dưới ánh nắng chang chang hay dưới trời mưa, thì mọi người vẫn hết sức kính cẩn thắp hương để tưởng niệm và tri ân những liệt sỹ đã ngã xuống để chúng tôi được hưởng nền tự do, hòa bình của hôm nay.

Đặc biệt, tôi nhớ nhất lúc đoàn Trại hè tổ chức làm lễ thả hoa đăng trên biển. Tối đó, gió to đã gây rất nhiều khó khăn cho mọi người trong lúc thắp nến. Nhưng ai nấy đều rất cố gắng để hoa đăng không bị dập tắt. Mặc dù gió to khiến tàu lắc khá mạnh và nhiều người bị say sóng, nhưng tất cả đều cố gắng nỗ lực, truyền tay nhau từng chiếc đèn hoa đăng đặt thả xuống biển, để lễ tưởng niệm được hoàn tất suôn sẻ. Buổi tối hôm đó không chỉ giúp chúng tôi hiểu thêm một nét mới về văn hóa Việt Nam mà quan trọng hơn, chúng tôi đã cùng nhau đoàn kết lại và tham gia một hoạt động văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa trên quê hương.

Tham gia những trò chơi tập thể trong buổi giao lưu tại Đà Lạt

Từ những người xa lạ đến từ những quốc gia khác nhau, tham gia vào Trại hè Việt Nam, chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết và gắn bó. Bên cạnh những hoạt động của chương trình, những khi ngồi trên xe bus rong ruổi từ Bắc vào Nam, hay khoảng thời gian đi chơi buổi tối cũng đem lại nhiều niềm vui và bài học cho mọi người. Trên hành trình từ Bắc vào Nam, những thành viên trên xe đã cùng nhau hát và kể chuyện cười để quên đi những mệt mỏi trên chặng đường dài. Mọi người lo lắng, chăm sóc khi ai đó trong đoàn bị ốm, cổ vũ cho nhau khi hát và chơi những trò chơi tập thể. Chuyến đi đã giúp tôi có được những tình bạn rất đáng quý. Những buổi tối không tham gia hoạt động, các bạn trong đoàn thường đến chợ đêm để mua sắm một vài món đồ lưu niệm. Chúng tôi cố gắng phát huy khả năng giao tiếp tiếng Việt của mình để có thể mua được món hàng với giá hợp lý và vui vẻ khi có được những món đồ ưng ý.

Nhưng hành trình nào rồi cũng phải kết thúc. Lúc chia tay, ai nấy đều lưu luyến, nhiều bạn đã không ngăn được những giọt nước mắt. 180 thành viên, 25 đất nước, 20 ngày, 5 chiếc xe buýt, 1 chặng đường từ Bắc vào Nam. Chúng ta hẹn gặp lại nhau một lần nữa ở Việt Nam nhé các bạn! Bởi tình bạn mà chúng ta có được sẽ kéo dài mãi mãi. Những kỷ niệm trong chuyến đi sẽ là hành trang chúng ta mang theo sau này, sẽ là chất keo gắn kết những người con đất Việt nhớ về quê hương. Bởi chúng ta là một gia đình, chúng ta tự hào là người Việt Nam! “Tự hào con cháu Rồng Tiên chúng ta về đây, cùng nhau tay nắm bàn tay hát vang bài ca. Lòng tự hào tràn đầy là người thanh niên Việt Nam, đi muôn phương nhưng con tim vẫn luôn hướng về đất mẹ…” – lời bài hát Trại hè Việt Nam cứ vang mãi trong lòng tôi.

Đỗ Hà Mi (Ba Lan)
----
(*) Tiêu đề và tít xen do Tạp chí Quê Hương đặt.


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu