A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trại hè Việt Nam 2008: Thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Tạm biệt mảnh đất Hà Tĩnh anh dũng, kiên trung, tạm biệt khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc huyền thoại, ngày 25/7 Đoàn Trại hè Việt Nam 2008 do ông Nguyễn Thanh Sơn, Trợ lý Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao – Q. Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở ngoài dẫn đầu lên đường đến thành phố Huế. Trên đường Đoàn đã thăm dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, là nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm chiến tranh thống nhất đất nước.



 Đoàn Trại hè Việt Nam tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ



Ông Nguyễn Thanh Sơn thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Nghĩa trang nằm trên khu vực đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, ở chân phía đông dãy Trường Sơn bên cạnh đường Hồ Chí Minh. Đây là nơi an nghỉ của 10.263 liệt sĩ, những người đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, lập nên những chiến công huyền thoại và làm nên sự bất tử của Trường Sơn.

Đến với Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn giữa đại ngàn núi rừng Trường Sơn hùng vĩ và thiêng liêng, các đại biểu thanh niên kiều bào ai nấy đều xúc động, thành kính thắp những nén nhang thơm trên những ngôi mộ các anh hùng liệt sĩ.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ: Chúng tôi nghĩ rằng giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn đối với kiều bào nói chung và thanh niên kiều bào ở nước ngoài nói riêng là điều rất quan trọng bởi vì thế hệ thứ 3 của kiều bào đã bắt đầu hình thành. Trưởng thành và lớn lên ở các nước, thế hệ của các em cần phải có bồi dưỡng, có sự duy trì bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là tiếng Việt  và truyền thống lịch sử anh hùng của dân tộc ta. Trở về tham dự Trại hè cũng là để các em tiếp bước cha anh thế hệ 1,2 luôn luôn hướng về tổ quốc dù bất cứ ở đâu, bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Việt Nam là cội nguồn con Lạc cháu Hồng nên các em có quyền tự hào khi các em đi ra các nước trên thế giới. Trại hè Hành trình di sản quê hương đã đưa các em đến với những địa danh đã vang lừng những chiến công trong thời kỳ kháng chiến, những nơi để các em tận mắt chứng kiến như Ngã Ba Đồng Lộc. Và nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là một điểm nhấn thứ hai để các em thấy được sự hy sinh to lớn, những hy sinh không gì bù đắp được của nhân dân VN nói chung và nhân dân miền Trung nói riêng để giải phóng dân tộc có được hòa bình hôm nay. Các em hôm nay trở về nhìn thấy sự đổi thay của đất nước và hiểu rằng phải có sự hy sinh to lớn của những người nằm đây. 

Ngô Nguyễn Hoàng Chương
xúc động bên mộ các liệt sĩ

Nghẹn ngào xúc động bên những nấm mộ các chị, các anh rợp bóng cây xanh, bạn Ngô Nguyễn Hoàng Chương bày tỏ: Em rất vinh hạnh được đi thăm Nghĩa trang liệt sỹ Trương Sơn  và cảm nghĩ đầu tiên của em là rất choáng ngợp trước 10 ngàn ngôi mộ anh chị nằm đây. Em cũng rất xúc động vì các anh nằm đây đã cống hiến cả đời mình cho đất nước. Em nghĩ  là lớp trẻ chúng em cần được biết nhiều về các anh hùng và lịch sử Việt Nam để sau này góp một phần nhỏ bé của mình vào xây dựng đất nước.

Từ nước Áo trở về tham dự Trại hè Việt Nam 2008, bạn Lê Thị Phương Liên tâm sự, bạn rất tự hào và xúc động vì được thắp hương trên mộ những người con đã dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc.: “Em sinh ra khi đất nước hòa bình, được đi thăm những nghĩa trang của các anh hùng liệt sĩ em vô cùng cảm động và thấy yêu quê hương mình hơn. Em muốn sau này được về quê hương làm việc và cống hiến cho quê hương mình.


 Lê Thị Phương Liên tự hào
và thấy yêu quê hương mình hơn

Chuyến viếng thăm Nghĩa trang Trường Sơn, một công trình tâm linh văn hóa, một di tích lịch sử của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước này chính là sự bày tỏ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng kiêu hãnh dân tộc của các bạn trẻ kiều bào tới những người đã góp phần lập nên những chiến công huyền thoại và làm nên sự bất tử của Trường Sơn.

Phương Thuận


Các tin khác

Tin tiêu điểm