A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào Việt Nam ở Ukraine và ước mong cuộc sống bình yên sớm trở lại

Trải qua những thời khắc di tản giữa làn bom rơi, pháo nổ, những kiều bào Việt Nam ở Ukraine mong quê hương thứ hai sớm kết thúc những cuộc xung đột để thế giới được hòa bình, con dân được an lạc, con cháu được tới trường…

Chuyến bay QH9066 đưa 300 công dân từ Warsaw, Ba Lan lánh nạn khỏi Ukraine hạ cánh an toàn
 tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, sáng 10/3. Ảnh: Nguyễn Hồng

Chuyến bay số hiệu QH9066 của Hãng hàng không Bamboo Airways đưa 300 công dân từ Warsaw, Ba Lan đã hạ cánh an toàn tại Sân bay Quốc tế Nội Bài vào lúc 6h15 phút sáng 10/3.

Trong 300 người về nước trong chuyến bay thứ 2 này có 48 người cao tuổi, 18 trẻ em dưới 2 tuổi và 21 người có bệnh nền, phụ nữ có thai. Sau 1 chặng bay dài, dù rất mệt mỏi nhưng bà con đều có tâm trạng phấn chấn khi được trở về quê hương và không giấu nổi niềm xúc động.

Khi bước chân xuống sân bay mỗi người dân đã không quên gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan đại diện Việt Nam, cùng kiều bào ta ở nước ngoài đã quan tâm giúp đỡ, đón bà con về nước lánh nạn.

Ký ức di tản khủng khiếp

Chuyến bay QH9065 trên hành trình kéo dài hơn 10.000 km từ sân bay Warsaw (Ba Lan) về Hà Nội sáng 10/3 muộn hơn dự kiến ban đầu hơn hai tiếng. Sau khi xuống may bay và làm các thủ tục nhập cảnh, ông Đỗ Như Tuyên và bà Nguyễn Thị Huệ (Hải Dương) là những người hoàn thành sớm nhất các thủ tục liên quan để có thể trở về.

Cặp vợ chồng cho biết, họ đã sinh sống ở Kharkov (Ukraine) – một trong hai khu vực giao tranh ác liệt nhất hiện nay được hơn 30 năm.

Bà Nguyễn Thị Huệ (ngoài cùng, bên trái) tỏ ra mệt mỏi sau chuyến bay dài từ Ba Lan về Việt Nam.
 Ảnh: Nguyễn Hồng

Chiến sự xảy ra, ông và nhiều gia đình người Việt khác bắt đầu hành trình sơ tán khỏi thành phố Kharkov. Mọi tài sản đều nằm lại Ukraine, hành trình di tản chỉ là chiếc vali với vài bộ quần áo và tư trang cá nhân vơ vội được.

"Đó là quãng thời gian dài đằng đẵng, có lẽ là thời khắc khủng khiếp nhất trong cuộc đời tôi. Máy bay thì bay ngay trên đầu, tâm trạng thì hoang mang, chỉ mong nhanh chóng lên được tàu. Nhưng tàu thì ít, người di tản thì nhiều, khó khăn lại càng chồng chất”, ông Tuyên nhớ lại hành trình di tản của gia đình.

Còn đối với bà Huệ - vợ ông Tuyên, “cảnh bom rơi, pháo nổ đã gieo rắc vào tâm trí tôi những nỗi sợ thật khủng khiếp. Chúng tôi cố gắng chạy thật nhanh để lên được tàu, và tiếp tục hành trình chen chúc nhau trên tàu suốt 3 ngày 3 đêm để sang biên giới Ba Lan.

Trong suốt hành trình từ Kharkov (Ukraine) sang đến Warsaw (Ba Lan), "chúng tôi thực sự chẳng dám nghĩ đến ngày được trở về Việt Nam như ngày hôm nay. Với chúng tôi khi ấy, mọi thứ chỉ diễn ra như cảm tính, cả đoàn cứ đi, cứ thế di tản. Tất cả chỉ biết cùng nhau cố gắng vượt qua những khó khăn bởi những trận mưa tuyết, máy bay bay ngay trên đầu để sang được Ba Lan”.

Sau khi được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Ba Lan và cán bộ Đại sứ quán tại đây, gia đình ông Tuyên, bà Huệ đã may mắn được về nước trong chuyến bay thứ 2 này.

“Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan và các kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại Ba Lan đã quan tâm, giúp đỡ chúng tôi nơi ăn, chốn ở và tạo điều kiện cho chúng tôi có thể về nước. Đặc biệt, là trong lúc gian khó, chiến tranh xảy ra đã đưa máy bay nhân đạo đưa bà con được trở về quê hương lánh nạn”, ông Tuyên nói.

Trải qua những thời khắc khó khăn bởi xung đột, loạn lạc, mỗi người đều thấu hiểu được giá trị của hòa bình. “Tôi mong rằng, xung đột Nga-Ukraine sẽ sớm chấm dứt để thế giới sớm được hòa bình, người dân được an lạc, chúng tôi có thể trở về cuộc sống trước đây, trở về Ukraine – quê hương thứ hai của chúng tôi và để con cháu có thể tiếp tục đến trường”, bà Huệ nghẹn ngào nói.

Sống lại khi chồng con và bạn thân thoát nạn

Một ngày trước khi chuyến bay QH9066 hạ cánh tại sân bay Quốc tế Nội Bài, bà Lê Thị Hà đã cất công bắt xe đò từ Thanh Hóa ra Hà Nội để đi đón bạn thân, cũng là hàng xóm khi ở Ukraine của mình là bà Vũ Thị Hồng Quyên về nước lánh nạn. Bà Hà trên tay ôm bó hồng và có mặt ở sân bay từ lúc trời còn chưa sáng.

Trò chuyện với phóng viên, bà Hà nhiều lần nghẹn ngào khi nhắc đến số phận của cả gia đình khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine.

Bà Lê Thị Hà (bìa phải) và bà Vũ Thị Hồng Quyên nghẹn ngào giây phút gặp lại nhau sau cơn hoạn nạn.
Ảnh: Nguyễn Hồng

Nhắc lại những thời kỳ thời kỳ Liên Xô cũ, năm 1987, bà Hà cùng bạn bè đi làm việc cho nước bạn, rồi lập gia đình, sinh con cái tại đó. Khi Liên Xô tan rã, gia đình bà trở thành người dân của vùng Kharkov (Ukraine).

Đến nay, bà Hà cùng gia đình đã sinh sống ở Ukraine hơn 35 năm, coi nơi đây như quê hương thứ hai và cùng nhau gây dựng cơ ngơi ổn định.

Trước Tết, gia đình ở Việt Nam có việc cần giải quyết, bà Hà một mình trở về quê nhà, chồng và 2 con ở lại. Bà dự định, sau khi giải quyết xong công việc tại Việt Nam thi sẽ quay trở về Ukraine vào ngày 29/3 tới đây. Thế nhưng, xung đột Nga-Ukraine xảy ra và kéo dài nhiều ngày khiến gia đình chia cắt, ly tán.

Bà Hà kể, do chưa có sự chuẩn bị, không tích trữ kịp lương thực, thực phẩm, chồng và các con buộc phải di tản sang Đức để nhờ sự giúp đỡ của người thân. Hành trình di tản bắt đầu từ tối 28/2, rạng sáng 1/3. Do đều là người lớn, nên ban ngày, họ không được lên tàu hỏa mà phải nhường cho trẻ em, phụ nữ, đến tối, họ mới đến lượt được lên tàu. Bởi vậy, phải qua 5 ngày, chồng và các con mới đến được Đức.

Nhiều ngày qua, chiếc điện thoại đã trở thành cầu nối duy nhất giữa các thành viên trong gia đình. Bà Hà ngày đêm lo lắng cho sự an toàn của chồng con, “tôi hoảng loạn khi có lần nghe chồng kể tên lửa bay ngang qua nhà, tiếng bom rơi, đạn nổ ngay cạnh nhà”.

Thế nhưng, khi bà Hà nghe tin chồng con và bạn thân thoát khỏi Ukraine, sang được đến Ba Lan, “tôi như sống lại, nửa đêm reo lên vì vui sướng khi chồng gọi điện về thông báo”, bà Hà xúc động nói.

Sau khi đến Đức, thấu hiểu sự đùm bọc lẫn nhau giữa cộng đồng người Việt ở xa xứ, hai con của bà xung phong làm tình nguyện viên phiên dịch viên hỗ trợ cho người lánh nạn từ Ukraine sang Đức, còn chồng bà thì tìm kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.

Trong lúc trò chuyện, bà Hà ánh mắt vẫn không rời khu vực lấy hành lý của sân bay Nội Bài để mong ngóng bạn tâm giao của mình. Bà Quyên ra khá muộn so với các công dân khác do bận làm các thủ tục giấy tờ nhập cảnh.

Vừa nhìn thấy bạn, bà Hà chạy đến ôm chặt người bạn tâm giao vào lòng mà bật khóc nức nở. Vậy là, bà Quyên - người bạn tâm giao đã an toàn trở về nhà.

Và lúc này, “tôi mong rằng cả gia đình đoàn tụ tại Việt Nam, nhưng điều kiện hiện nay chưa cho phép, tôi cũng cảm thấy thật may mắn khi về được gia đình nội ngoại, địa phương giúp đỡ. Ngay lúc này, tôi chỉ mong Ukraine – nơi chúng tôi gắn bó bao năm qua sớm bình yên trở lại”, bà Hà chia sẻ.

Nguyễn Hồng/ baoquocte.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm