A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tọa đàm về thực trạng dạy – học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài

Trong khuôn khổ Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài 2016 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ngày 8/8, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “Thực trạng dạy – học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và đề xuất giải pháp”.


Tham dự buổi Tọa đàm có ông Trần Đức Mậu- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban), ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia ngôn ngữ- sư phạm ở các trường đại học, đại diện các đơn vị chức năng của Ủy ban, Bộ Giáo dục và Đào tạo và gần 60 các giáo viên, tình nguyện viên từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ về tham dự Khóa tập huấn.

Buổi Tọa đàm được tổ chức với mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 14 tham luận và phát biểu của đại diện các cơ quan trong nước, các giáo viên giảng dạy tiếng Việt tại các nước trên thế giới đã được trình bày tại buổi Tọa đàm.

Khó khăn trong việc giữ gìn tiếng Việt nơi xứ người

Việc dạy- học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Song thực tế cho thấy ngày càng phổ biến tình trạng thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài hầu như không nói được tiếng Việt. Đây là điều băn khoăn trăn trở của nhiều thế hệ người Việt sinh sống ở nước ngoài với mong muốn duy trì bản sắc văn hóa truyền thống đối với thế hệ tương lai.

Trong phát biểu dẫn đề, ông Nguyễn Hồng Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, cho biết hiện có khoảng hơn 4,5 triệu người Việt đang sinh sống và làm việc ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm nhiều thế hệ, đa dạng về thành phần xã hội, xu hướng chính trị, địa vị pháp lý, tôn giáo, dân tộc, nghề nghiệp… Đa số người Việt Nam sống ở nước ngoài có xu hướng định cư lâu dài và hội nhập dần vào cộng đồng nước sở tại. Cộng đồng sinh sống phân tán, sinh hoạt cộng đồng khó khăn nên việc duy trì tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống đang là thách thức lớn đối với các thế hệ tương lai của cộng đồng. Ông mong muốn thông qua buổi tọa đàm này, những người trực tiếp làm công tác giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài là các thầy cô giáo cho thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, những phương pháp giảng dạy tốt, cũng như đưa ra những kiến nghị, hỗ trợ để công tác này ngày càng phát triển.

Về thực trạng giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài, các tham luận tại buổi tọa đàm đã nêu lên một số tình trạng khó khăn như môi trường dạy và học tiếng Việt chưa thuận lợi. Trong đó, gia đình, người thân, đặc biệt là các bậc cha mẹ thiếu sự quan tâm duy trì tiếng Việt cho con em mình. Ngoài xã hội, tiếng Việt không phải là một ngoại ngữ phổ biến, do đó thiếu động lực thôi thúc các em học… Nhiều ý kiến cho rằng, về sách giáo khoa, hiện tại vẫn chưa có giáo trình dạy tiếng Việt thích hợp dành cho cộng đồng ở các khu vực khác nhau; đội ngũ giáo viên thì còn thiếu, chưa được đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn và sư phạm; việc tổ chức và duy trì lớp học tiếng Việt trong cộng đồng còn nhiều khó khăn vì chủ yếu do bà con tự tổ chức, việc thu hút các em đến lớp và duy trì lớp học cũng còn nhiều gian nan …

Trao đổi về việc dạy và học tiếng Việt tại Thái Lan, bác Trần Văn Lực (giáo viên dạy tiếng Việt tại Thái Lan) chia sẻ: Kiều bào tại Thái Lan hội nhập tốt vào xã hội sở tại nhưng thế hệ thứ 3, thứ 4 hầu như không nói được tiếng Việt. Hiện ở Thái Lan chưa có trường lớp chính quy, việc dạy và học tiếng Việt diễn ra theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ. Các lớp học được tổ chức trên tinh thần tự nguyện, miễn phí. Hội người Việt tự tổ chức các lớp học cho nhiều lứa tuổi và sử dụng giáo trình tự biên soạn trên cơ sở bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”.

Đây cũng là thực trạng chung trong công tác dạy và học tiếng Việt của kiều bào ở các nước.

Một số kiến nghị

Giữ gìn tiếng Việt là một trong những yếu tố quan trọng nếu muốn giữ gìn văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Tại buổi tọa đàm, các giáo viên đã chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy hay, nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm gắn bó với nghề của các thầy cô. Cô Lê Thị Bích Hường (giáo viên dạy tiếng Việt tại Ý) đã chia sẻ phương pháp phụ trợ cho việc dạy tiếng Việt qua âm nhạc để học sinh tiếp thu dễ hơn và hiểu hơn văn hóa Việt qua những ca từ. Chị Lê Thị Minh Trang (giáo viên dạy tiếng Việt tại Séc) chia sẻ về việc tổ chức lớp học sao cho hợp lý, đảm bảo công việc của bố mẹ khi phải đưa các em đến lớp học... Và cả câu chuyện xúc động của cô giáo Lê Thị Kim Dung khi vận động các em học sinh con em Việt kiều tại Biển Hồ đến lớp không chỉ để dạy chữ mà còn dạy về đạo đức cho các em.

Để công tác giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài ngày một phát triển, các tham luận, ý kiến phát biểu tại buổi Tọa đàm đều mong muốn Đảng, Nhà nước và các cơ quan chuyên môn quan tâm hơn nữa đến công tác này, như việc nghiên cứu bộ sách giáo khoa áp dụng cho các địa bàn, các nước khác nhau; tăng cường nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên cộng đồng; cử giáo viên trong nước sang giảng dạy; làm việc việc với nước bạn tạo điều kiện, hỗ trợ cở sở vật chất cho bà con mở lớp, trung tâm dạy tiếng Việt...

Phát biểu kết thúc buổi Tọa đàm, bà Lê Thị Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết: Những năm gần đây, công tác dạy và học tiếng Việt luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ủng hộ kịp thời và khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm đó. Bà đánh giá cao những ý kiến tâm huyết và cả những chia sẻ chân tình của các thầy cô giáo tham gia buổi Tọa đàm. Bằng tình yêu và trách nhiệm lớn với cộng đồng, các thầy cô đã làm công việc hết sức ý nghĩa là việc duy trì tiếng mẹ đẻ, duy trì bản sắc dân tộc nơi xứ người. Bà nhấn mạnh, những kiến nghị, đóng góp của các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm sẽ được Ủy ban phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp chuyển lên lãnh đạo cấp trên.

Cũng trong buổi tọa đàm sáng nay, các đại biểu đã được nghe PGS. TS Nguyễn Thiện Nam- Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - giới thiệu về Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Đề án được thực hiện sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho việc giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào như việc tìm kiếm giáo trình, tự kiểm tra trình độ tiếng Việt qua các bài thi... trên mạng.

Cảnh Tiêu

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm